Khoa Học-Công Nghệ

Phi thuyền đầu tiên truy tìm sự sống trên sao Hỏa hạ cánh thành công

Bức ảnh đầu tiên do phi thuyền Perseverance chuyển về trái đất chụp bề mặt sao Hỏa. Ảnh do NASA công bố ngày 18/02/2021.
Vào lúc 20 giờ 55 phút ngày hôm qua, 18/10/2021, phi thuyền Perseverance đáp xuống an toàn lên bề mặt sao Hỏa. Đây là phi thuyền thứ năm đáp xuống sao Hỏa thành công, nhưng là phi thuyền đầu tiên có sứ mệnh tìm kiếm sự sống trên hành tinh Đỏ.
Phi thuyền của NASA đã vượt qua hơn 470 triệu km, trong vòng 203 ngày, để đến sao Hỏa. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ca ngợi chuyến hạ cánh này là « lịch sử », bằng chứng về sức mạnh của « khoa học » và « công nghệ đỉnh cao của nước Mỹ ». NASA đã chọn một địa điểm hạ cánh hết sức khó khăn, miệng núi lửa Jezero.
Các nhà nghiên cứu Mỹ hy vọng tìm thấy dấu vết của sự sống ở miệng núi lửa sao Hỏa bởi tại đây, cách nay khoảng 3,5 tỉ năm, có một hồ nước sâu, rộng khoảng 50 km. Việc lấy mẫu đầu tiên sẽ bắt đầu vào mùa hè này. Phi thuyền Perseverance sẽ làm việc tại khu vực này trong vòng hai năm, với mục tiêu là tìm kiếm « các hóa thạch vi sinh vật ». Cuộc thám hiểm này sẽ cho phép các nhà khoa học khẳng định hoặc bác bỏ giả thiết về khả năng tồn tại sự sống ở một khu vực được coi là thuận lợi cho việc xuất hiện sự sống trên hành tinh Đỏ.
Đến được miệng núi lửa, phi thuyền Perseverance đã xuyên qua bầu khí quyển với tốc độ 20.000 km/giờ. Nhiệt độ bề mặt của phi thuyền tăng lên đến 1.300 độ C do cọ xát với bầu khí quyển sao Hỏa. NASA hứa hẹn sẽ công bố, vào thứ Hai tới, một video chưa từng có về cuộc hạ cánh ngoạn mục này.