Trung Quốc thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh, công nghệ Mỹ – Nga chưa có
Đăng ngày:
Ảnh minh họa: Tên lửa DF-17 của Trung Quốc trong lễ diễu binh mừng 70 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, ngày 01/10/2019. AP – Mark SchiefelbeinAP – Ng Han Guan
Hồi mùa hè năm 2021, Trung Quốc đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh có khả năng phóng đầu đạn, một công nghệ mà cả Mỹ và Nga, hai cường quốc về tên lửa, cho đến nay vẫn chưa đạt được.
Báo Mỹ The Wall Street Journal ngày 22/11/2021, xác nhận thông tin mà báo Anh Financial Times công bố hôm Chủ Nhật 20/11, theo đó vào hồi tháng 7/2021, Trung Quốc đã thực hiện một vụ thử liên quan đến một “hoạt động tinh vi trong đó một đầu đạn được bắn ra từ một tên lửa siêu thanh đang bay”.
The Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Mỹ ẩn danh nhận định vụ thử nghiệm này cho thấy năng lực chế tạo tên lửa siêu thanh của Trung Quốc tốt hơn những gì được biết đến từ trước đến nay.
Còn theo Financial Times, “các chuyên gia của DARPA, Cơ quan nghiên cứu của Lầu Năm Góc, không biết nhờ cách nào Trung Quốc đã bắn thành công được một đầu đạn từ một thiết bị bay ở tốc độ siêu thanh”, tức là với tốc độ nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Các chuyên gia có quyền truy cập thông tin từ các cơ quan tình báo Anh cũng không biết đầu đạn rơi xuống biển thuộc loại nào. Một số chuyên gia cho rằng đó là tên lửa không đối không, một số khác lại nghĩ rằng đó là loại pháo mồi được bắn ra để bảo vệ tên lửa siêu thanh trong trường hợp tên lửa này bị nhắm bắn.
AFP nhắc lại là vào tháng 10/2021, Financial Times loan tin hồi tháng 8, Bắc Kinh đã phóng một tên lửa siêu thanh bay quanh quỹ đạo Trái đất trước khi tên lửa lao xuống mục tiêu, nhưng bị chệch vài km. Bắc Kinh khi đó phủ nhận vụ phóng thử tên lửa, khẳng định đó chỉ là thử nghiệm công nghệ tàu vũ trụ có thể tái sử dụng.
Tuy nhiên, tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Mark Milley, vài ngày sau đó đã nói về một “vụ thử nghiệm rất quan trọng về một hệ thống vũ khí siêu thanh”, nhưng không nêu rõ ngày tháng. Tướng Mark Milley so sánh vụ thử nghiệm đó với vụ phóng Sputnik, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Liên Xô hồi tháng 10/1957, khiến nước Mỹ bị bất ngờ và phải phát động cuộc chạy đua chinh phục không gian.