“PHẬT HAY ĐỐNG PHÂN BÒ ?”
Dưới đây là mẫu truyện sưu tầm về giai thoại rất lý thú, giữa lão Tô (1) và lão Phật Ấn (2)
(1) Lão Tô: Tô Đông Pha, (2) Phật Ấn: Thiền sư Liễu Nguyên
Cốt truyện được lồng trong tiêu đề: Tâm Phật Kiến Phật, Tâm Ma Kiến Ma, như sau:
Một hôm, Tô Đông Pha đến Thiền Viện chơi với Thiền sư Phật Ấn suốt cả buổi. Hai người đối ẩm, đàm đạo về Pháp Thiền rất tâm đắc. Đến lúc sắp ra về, bất chợt Tô Đông Pha hỏi lão Phật Ấn:
-Ngài trông thấy dung mạo tôi như thế nào?
Lão Phật Ấn nhìn lão Tô rồi đáp:
– À, thì trông ông với vẻ hiền từ, nghiêm nghị, đạo mạo, giống y như Phật.
Tô Đông Pha được khen giống Phật thì vô cùng đắc chí.
Kế, lão Phật Ấn hỏi lại Tô Đông Pha:
-Thế, ông thấy dung mạo tôi ra sao?
Tô Đông Pha thấy Phật Ấn người thì mập mạp, tròn ú, lại mặc áo nâu sồng, trông rất buồn cười, bèn đáp ngay:
– Theo mắt nhìn của tôi thì trông ông giống y như một đống phân bò vậy!
Lão Phật Ấn nghe qua thì chỉ mỉm cười và gật gật đầu mà không tỏ vẻ hờn dỗi chút nào, mà miệng thì luôn niệm: “A Di Đà Phật”
Còn về lão Tô, lúc này trong bụng nghĩ rằng hôm nay mình đã thắng lão Phật Ấn một keo lớn, cho nên, trong lòng rất đổi vui sướng và khi về đến nhà thì hớn hở khoe với cô em gái, tức là Tô tiểu muội:
– Này, muội muội!, xưa giờ, Huynh bị lão Phật Ấn cho Huynh đo ván dài dài, không lần nào Huynh đấu lại lão ta. Nhưng không hiểu hôm nay lão ăn nhằm ớt hiểm cay hay sao mà lão không thốt nên lời nào, khi bị Huynh “mắng” lão là “đống phân bò”
Nói rồi bèn thuật lại đầu đuôi câu chuyện đối đáp vừa qua giữa 2 người cho cô tiểu muội nghe.
(Riêng, nói về Tô tiểu muội, thì bản chất cô vốn thông minh, thiên tư xuất chúng, cầm, kỳ, thi, họa chẳng ai sánh bằng). Khi cô nghe ca ca “ông anh” mình kể xong câu chuyện thì Tô tiểu muội liền nói:
– Nếu quả thật như vậy thì Huynh đã thua to cho lão Phật Ấn rồi!
Tô Đông Pha không chịu, tức quá liền hỏi lại:
– Làm sao mà Huynh thua cho lão? Nếu thua, sao ông ấy không đáp trả lại lời nào?
–Tô tiểu muội chậm rãi phân tích:
–Này Huynh! có phải Đức Phật là do chính mắt lão Phật Ấn trông thấy, còn “đống phân bò” là do chính mắt Huynh nhìn thấy, có phải vậy không? nếu quả thật là như vậy thì chính Huynh là kẻ đã thua to cho lão Phật Ấn mất rồi ?
Để tiểu muội giải thích cho Huynh nghe nhé: “bởi vì ở trong cái TÂM của lão Phật Ấn là cái “TÂM của PHẬT” cho nên lão nhìn thấy Huynh mà lão nghĩ ra đó là Phật, còn cái TÂM của Huynh chẳng qua nó chỉ là một “Đống PHÂN BÒ” cho nên Huynh nhìn thấy lão Phật Ấn giống như một “đống phân bò”.
Vậy, không phải lão Phật Ấn đã thắng Huynh rồi hay sao ? và Huynh là kẻ đã thua to rồi Huynh ơi ! còn lời lẽ gì để bào chữa nữa ?
Sau khi Tô Đông Pha nghe tiểu muội phân tích, ngẫm nghĩ hồi lâu và chừng như đã thấm ý rồi bẽn lẽn bỏ đi, trông dáng điệu thểu não như chiếc giẻ rách, mặt mày bí sị vì biết rằng mình đã bị lão Phật Ấn gián tiếp cho đo sát ván thêm một keo nữa, nghĩ bụng thật là nhục nhã.
Lời Bàn: Một Bài Học Về Đạo Lý
“TÂM PHẬT KIẾN PHẬT. TÂM MA KIẾN MA”
Thiển nghĩ giai thoại trên đây, tác giả mượn tên hai nhân vật Tô Đông Pha và lão Phật Ấn để đóng vai trò chánh trong cốt truyện và mượn bối cảnh hai bên đối thọai nhau (“gián tiếp” phân cao thấp) làm chủ đề, hẳn không ngoài mục đích muốn châm biếm cái “căn bệnh” trầm kha không thuốc chữa mà từ xưa nay, trong mọi tầng lớp xã hội đều vướng phải, đó chính là cái “căn bệnh tham vọng, vị kỷ, tự cao, tự đại” mà phàm nhân [凡人] thường mắc phải, nguyên nhân cũng chỉ vì hai chữ “Tôi, Ta,” mà thiên hạ “trân quý”, tâng đội nó lên trên vị trí cao nhất.
Tựu chung hai chữ “Tôi, Ta”, to tổ bố mà thông thường người đời thích tô son trát phấn, để mang ở trước lồng ngực hay đội nó trên đỉnh đầu mà vênh mặt với mọi người.
Như trên đã dẫn, khi lão Phật Ấn đánh giá hình tướng của lão Tô “trông giống như vị Phật”, vừa nghe qua thì trong lòng lão Tô rất đắc ý và tỏ vẻ vui sướng khôn siết, là vì sao? là vì lão Tô đã được “tâng bốc” lên đến tận mây xanh, đó chẳng phải là do cái “Tâm Dục” của con người chất chứa bên trong cái “Tôi, Ta” quá lớn lao hay sao ?
Theo chủ thuyết nhà Phật, cái Tâm Dục “Tôi, Ta”, trong đó nó bao gồm “vị kỷ, tự cao, tự đại, tự ty, tự mãn”, đấy là những ham muốn, tiềm ẩn bên trong Lục Dục [六 欲] (6 thứ ham muốn) trên đời, hay nói cho rõ hơn, đó chính là Lục Căn, tức là : Nhãn, Nhĩ, Tỉ, Thiệt, Thân, Ý. [ 眼、耳、鼻、舌、身、意] “Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý” đó là sáu chất căn bản (lục căn) nó cũng liên đới cùng Lục Trần “六 塵” : (sáu chất bụi trần) gồm có : Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp, [色、聲、香、味、觸、法] được bình giảng ra là :
1/-Sắc: là màu sắc, hình dáng.
2/-Thanh: là âm thanh phát ra.
3/-Hương: là mùi thơm phảng phất.
4/-Vị: là chất vị do lưỡi nếm được.
5/-Xúc: là cảm giác như cứng, mềm, nóng, lạnh, êm ái, sung sướng.
6/-Pháp: là những hình ảnh, màu sắc, hương vị được lưu lại từ 5 trần ở trên.
Còn bàn rộng ra ý nghĩa của từ “Sở Dục” mà lão Tô mắc phải, theo thuyết nhà Phật thì đó chính là cái “Sở Dục” thứ 2 nằm trong Lục Trần là Thanh Dục [聲欲].
Thanh Dục tức là thích nghe tiếng ca, lời hát, êm tai, du dương quyến rũ, lời tâng bốc khen tặng, nó tiềm ẩn ở bên trong Bát Độc Phong [八毒風], Bát Độc Phong có nghĩa là (tám luồng gió độc) đó là: Lợi, Suy, Hủy, Dự, Xưng, Cơ, Khổ, Lạc [利, 衰, 譭, 譽, 稱, 譏, 苦, 樂] mà thế nhân thường vướng vào ở cái Sở Dục thứ 3 và thứ 4, nằm trong tám luồng gió độc rất ư là tai hại, đó là Dự [譽] và Xưng [稱].
Dự và Xưng được bàn rộng ra như sau:
Dự [譽] có nghĩa là Thích được sự khen tặng, tâng bốc “một cách gián tiếp”
Xưng [稱] có nghĩa là thích được ca tụng, tán thưởng. “một cách trực tiếp”.
Dẫn chứng hình ãnh bên trên, cho ta thấy lão Tô được lão Phật Ấn thổi phồng, cho nên lão rất đổi vui sướng vô cùng. Tuy nhiên, nếu nói lão Phật Ấn “thổi phồng” là quá đáng, vì đối với một nhà sư tu hành có đạo hạnh uyên thâm như lão Phật Ấn thì làm gì có chuyện Ngài bốc phét hay đánh bóng cho một cá nhân nào hầu để trục lợi riêng tư cho cá nhân mình, đó chẳng qua bởi cái Tâm của Ngài là: Tâm của Phật, cho nên Ngài nhìn ai, nhìn đâu thì quang cảnh trước mắt đều là Phật, mà theo thuyết nhà Phật thì “tất cả chúng sinh đều là Phật”, do đó Phật giáo có câu: “Tâm Phật Kiến Phật” [心佛見佛] là vậy.
Còn xét về cái “tâm” của lão Tô, bên trong cái “tâm” ấy hằng chất chứa cả một “đống phân bò”, vì vậy, khi lão nhìn ai, nhìn đâu cũng thấy nơi đó toàn là “đống phân bò”, hôi thối và mọi người, mọi vật trước mắt lão đều là kẻ gian, kẻ xấu, là ma, là quỷ, cho nên trong thuyết nhà Phật có câu nối tiếp câu đầu ở đoạn trên là: “Tâm Ma Kiến Ma” [心魔見魔] là như vậy.
**** “Tâm Phật Kiến Phật” [心佛見佛]
**** “Tâm Ma Kiến Ma” [心魔見魔]
Tháp Bè – Trúc Lâm Hàn Sĩ, tức nhà thơ ĐTT
Tháng 9/24/2012.