Nguồn: Một Thế Giới, biên tập Hoàng Vũ | 16/03/2022, 12:49
Sự thống trị của đồng USD trên thị trường dầu mỏ có thể gặp thách thức khi Ả Rập Saudi đang để mắt đến thỏa thuận giao dịch bằng nhân dân tệ với Trung Quốc.
Theo báo cáo của tờ Wall Street Journal (WSJ), nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới Ả Rập Saudi đang đàm phán để bán dầu cho nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới – Trung Quốc và được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ thay vì USD.
Hiện, khoảng 80% doanh số bán dầu toàn cầu được thực hiện bằng USD và Ả Rập Saudi đã thực hiện các giao dịch độc quyền bằng USD kể từ năm 1974. Vì vậy, nếu một thỏa thuận giao dịch bằng đồng nhân dân tệ được thực hiện, nó sẽ củng cố vị thế tiền tệ của Trung Quốc trên thế giới, đồng thời thách thức sự dẫn đầu của Mỹ trên thị trường tài chính.
WSJ cho biết gần đây, khả năng đạt được một thỏa thuận tiềm năng giữa Ả Rập Saudi và Trung Quốc đang ngày càng được hiện rõ. Đồng minh Trung Đông lâu năm của Mỹ đã trở nên không hài lòng với Washington do chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã miễn cưỡng làm nhiều hơn trong cuộc nội chiến Yemen và thúc đẩy khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran.
Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – Ảnh: Getty
Vào năm 2020, Biden cũng chọc giận Ả Rập Saudi vì cam kết đưa ra ánh sáng sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018. Và kể từ khi trở thành tổng thống, ông đã nói rõ rằng ông ấy không coi Ả Rập Saudi là đồng minh, mà chỉ như một đối tác.
Chính quyền Biden năm ngoái đã công bố các lệnh trừng phạt và cấm thị thực nhằm vào một số công dân Ả Rập Saudi, ngoại trừ Thái tử Mohammed bin Salman. Những người có tên trong danh sách trừng phạt sẽ bị đóng băng tài khoản ở Mỹ và không được thực hiện các giao dịch ở Mỹ.
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ và Ả Rập Saudi suy yếu, Trung Quốc đã nổi lên như một đối tác hàng đầu với quốc gia Trung Đông. Hơn nữa, Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salam cũng được cho là đã từ chối yêu cuộc điện đàm với Biden để thảo luận về Ukraine và thúc đẩy sản xuất dầu trong bối cảnh phương Tây trừng phạt Nga.