Trung Quốc báo cáo rằng GDP của nước này đã tăng 3,2% trong quý II/2020, so với một năm trước, vượt qua mức dự báo của các nhà phân tích.
Sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã được thúc đẩy trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa được nới lỏng và Bắc Kinh đang triển khai các biện pháp kích thích để thúc đẩy nền kinh tế. Trước đó, các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đã dự đoán tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng khiêm tốn ở mức 2,5% trong quý II/2020.
GDP quý I/2020 của Trung Quốc đã suy giảm đến 6,8% so với một năm trước khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị giáng một đòn mạnh từ sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Đây là lần giảm GDP đầu tiên của quốc gia này kể từ năm 1992, thời điểm mà báo cáo GDP hàng quý được Trung Quốc bắt đầu công bố.
Số liệu GDP chính thức của Trung Quốc được theo dõi như là một chỉ số quan trọng về ‘sức khoẻ’ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mặc dù nhiều chuyên gia quốc tế từ lâu đã bày tỏ sự hoài nghi về tính xác thực của các báo cáo của Trung Quốc.
“Nói chung, nền kinh tế quốc gia đã dần khắc phục được những tác động bất lợi của dịch bệnh trong nửa đầu năm 2020 và đang bắt đầu tăng trưởng trở lại và phát triển”, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết.
Nhằm nhanh chóng khắc phục các hậu quả từ đại dịch COVID-19, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một loạt các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế bao gồm cắt giảm lãi suất cho vay cũng như cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng.
Dấu hiệu phục hồi
Dữ liệu gần đây của Trung Quốc đã cho thấy một số dấu hiệu phục hồi. Số lượng giao dịch trong tháng 6 cho thấy xuất khẩu và nhập khẩu bằng đồng USD bắt đầu tăng trở lại. Ngoài ra, hoạt động sản xuất trong tháng 6 cũng đã nhiều hơn so với tháng 5.
Ông Bo Zhuang, nhà kinh tế trưởng của TS Lombard tại Trung Quốc cho biết các hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại do quốc gia này bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong toả sớm hơn các nước khác.
Nhà kinh tế trưởng cho biết ông hy vọng sự phục hồi GDP của Trung Quốc ít nhất sẽ được duy trì trong hai quý tới. Hiện tại, quốc gia này đang đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như thúc đẩy du lịch nội địa. Không chỉ vậy, ông Zhuang cũng tự tin rằng kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ tăng trưởng khoảng 5% trong 2 quý cuối năm nay.
Những thách thức vẫn còn đó
Cục thống kê Trung Quốc đã công nhận các rủi ro có thể xảy ra trong thời gian sắp tới và cho rằng sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh trên toàn cầu, các tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế toàn cầu và thách thức bên ngoài sẽ gây ra những áp lực mới cho sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc.
Dữ liệu vừa được công bố cũng cho thấy nhu cầu tiêu dùng vẫn còn yếu ở Trung Quốc. Doanh số bán lẻ đã giảm 1,8% trong tháng 6 so với một năm trước, tồi tệ hơn so với mức dự đoán tăng trưởng 0,3% từ các nhà kinh tế được Reuters khảo sát. Trong khi đó, những lo ngại về thị trường việc làm và các vụ phá sản của doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế nước này.
“Chúng tôi đang chứng kiến sự phục hồi không đồng đều ở Trung Quốc. Hiện tại, một câu hỏi lớn đang được quan tâm đó là liệu nhu cầu tiêu dùng nội địa của Trung Quốc có thể giải quyết các vấn đề hàng tồn kho trong khi nhu cầu tại các thị trường bên ngoài vẫn còn rất yếu?”, bà Johanna Chua, người đứng đầu bộ phận kinh tế và chiến lược khu vực châu Á tại Citigroup cho biết.
Nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay khi nhiều chính phủ trên toàn cầu đã áp đặt các lệnh phong toả và hạn chế hoạt động kinh doanh. Do đó, tăng trưởng chậm trong nhu cầu toàn cầu dự kiến sẽ làm tổn thương sâu sắc đến ngành xuất khẩu của Trung Quốc.
Năm nay, Trung Quốc đã đưa ra một quyết định chưa từng có đó là không đặt mục tiêu GDP do những bất ổn từ tác động của đại dịch COVID-19.