Điểm Báo Việt Ngữ

Cuộc Phỏng Vấn Ông Carl Thayer của Đài BBC

Hình ông Carl Thayer
Các Nhà Chính Trị Gia, Khoa Học Gia, Bình Luận Gia, Xã Hội Học, Nổi Tiếng Trên Thế Giới, Có Những Lời Bình Luận Sách Lược Của Tân Tổng Thống Đắc Cử Joe Biden Và Bản Tin Dưới Đây Là Cuộc Phỏng Vấn Ông Carl Thayer của Đài BBC, Như Sau:
https://www.bbc.com/vietnamese/world-53889305
https://vi.wikipedia.org/wiki/Carlyle_Alan_Thayer
Carl Thayer: ‘TQ sẵn sàng đối phó với bất kỳ ai đắc cử TT Mỹ’
Là người có hai quốc tịch Úc và Hoa Kỳ, GS Carl Thayer cho BBC News Tiếng Việt biết ông chắc chắn sẽ tham gia bầu cử kỳ này và tin rằng Bắc Kinh sẵn sàng đối phó với bất kỳ ai sẽ đắc cử.
Được hỏi ông là cử tri ghi danh đi bầu cho đảng nào, GS Carl Thayer trả lời là ”chưa bao giờ là thành viên đã ghi danh của bất kỳ đảng phái chính trị nào”.
GS Carl Thayer: Tôi dự định sẽ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay. Ngoại trừ năm 2016, tôi đã bỏ phiếu trong tất cả các cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ kể từ năm 1972. Theo luật, tôi đủ điều kiện bỏ phiếu ở tiểu bang cuối cùng mà tôi đã làm việc, đó là tiểu bang Ohio. Trước đây tôi đã bỏ phiếu ở Hawaii và trước đó là Massachusetts. Lá phiếu của tôi được gửi cho tôi qua đường bưu điện và tôi nộp nó tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Canberra, Úc.
BBC:Xin giáo sư cho biết việc bỏ phiếu kỳ này có nghĩa gì đối với ông?
GS Carl Thayer: Đây là cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ có hậu quả nhất mà tôi từng bỏ phiếu. Như Joe Biden nói, “linh hồn của nước Mỹ” đang bị đe dọa. Kể từ bài phát biểu nhậm chức của Donald Trump vào tháng 1/2017, tôi đã cảm thấy bị gạt ra ngoài cộng đồng Mỹ bởi chủ nghĩa dân túy hẹp hòi của Trump. Trump đã làm trầm trọng thêm sự phân cực của Hoa Kỳ và cô lập Hoa Kỳ trên bình diện quốc tế. Đã đến lúc đòi lại Hoa Kỳ cho tất cả người Mỹ, giảm sự phân cực và khôi phục quyền lãnh đạo của Hoa Kỳ trên toàn cầu.
BBC:Ông sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống nào, và tại sao?
GS Carl Thayer: Tôi sẽ bỏ phiếu cho Joe Biden. Tôi đã xem tất cả các cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên chạy đua để được Đảng Dân chủ đề cử làm ứng cử viên tổng thống đại diện cho đảng. Joe Biden có vẻ là người có năng lực nhất trong nhóm và là người có nhiều khả năng đánh bại Trump nhất.
BBC:Giới chỉ trích cho rằng cử tri không nhiệt tình lắm với ông Joe Biden. Ông có hào hứng với việc bỏ phiếu cho ông Biden không, hay đây là quyết định bỏ phiếu cho một người đỡ tệ hơn người kia?
GS Carl Thayer: Joe Biden không phải là người đỡ tệ hơn trong hai ứng cử viên, mà là trường hợp đúng người, đúng lúc. Nước Mỹ cần 4 năm ổn định và thời gian để hàn gắn những chia rẽ hiện nay trong xã hội cũng như đại dịch COVID-19.
BBC:Giáo sư có nghĩ nước Mỹ đang đi đúng hướng, và ông mong gì ở cuộc bầu cử này?
GS Carl Thayer: Hoa Kỳ, theo tôi, đang không di chuyển theo bất kỳ hướng nào. Nó đang bị đình trệ giữa đại dịch virus corona do sự kém cỏi của Donald Trump và chìm đắm trong sự tự thương hại và cáo buộc lẫn nhau.
Trump đã ném vào thùng rác tất cả thiết chế, cơ quan của Hoa Kỳ – truyền thông, Quốc hội, Tòa án, các cơ quan chính phủ – và làm gián đoạn việc kiểm tra và cân bằng giữa chúng. Trump đã làm suy yếu các giá trị dân chủ, sự văn minh và lòng khoan dung và tôn trọng lẫn nhau.
Trump đã thoái vị khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ đến mức nước Mỹ không còn là “ngọn hải đăng trên ngọn đồi” như trước.
Nếu Trump tái đắc cử, tình hình nước Mỹ sẽ y như vậy. Nếu Biden được bầu, tôi mong đợi sự trở lại bình thường khi ông ấy nhận trách nhiệm để ‘Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.’
BBC: Ủng hộ Trump hay chống Trump, và dồn phiếu cho ai có là chủ đề nóng trong gia đình ông không? Và phản ứng của gia đình với quan điểm của ông là gì?
GS Carl Thayer: Tôi ít giao tiếp với những người Mỹ khác sống ở Úc. Vợ tôi không phải là người Úc nhưng cô ấy có cùng quan điểm với tôi. Những người bạn của tôi ở Canberra rất kinh ngạc về Trump nhưng chúng tôi không quan tâm đến các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ. Chúng tôi không có những cuộc tranh luận nảy lửa.
Nhưng có những chia rẽ chính trị rõ ràng giữa anh trai với chị và em gái tôi. Chúng tôi tránh xa đề tài chính trị trong email và các thư từ khác gửi cho nhau. Nếu chúng tôi gặp mặt trực tiếp và tham gia vào các cuộc thảo luận chính trị, nó sẽ nhanh chóng suy thoái.
BBC: Đặc biệt trong cuộc bầu cử này, nước Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc giữa giới ủng hộ và chống đối Trump. Ông giải thích hiện tượng này như thế nào?
GS Carl Thayer: Sự phân cực của xã hội Mỹ không phải là một phát triển mới; nó tăng cường kể từ thời chính quyền Clinton và đặc biệt là sau khi xuất hiện Tea Party trong chính quyền Obama. Trump là kẻ thao túng chủ nghĩa dân túy và khiến nhóm này chống lại nhóm khác. Hành vi gây hấn của Trump đã ảnh hưởng đến Đảng Cộng hòa và dẫn đến tình trạng gia tăng những người bợ đỡ chính trị.
Bởi vì Trump đang thua Biden trong một loạt các cuộc thăm dò, bao gồm cả tại các tiểu bang chiến địa, đây sẽ là một cuộc bầu cử cực kỳ gây tranh cãi. Trump sẽ đưa ra tất cả các mánh khóe vi phạm sự đứng đắn chính trị để tái đắc cử. Lời chỉ trích của ông về việc bỏ phiếu qua thư đã tạo tiền đề cho các quyết định pháp lý sau ngày 3/11.
BBC: Mạng xã hội nêu những con số không nhỏ người Mỹ gốc Việt và người Việt ở Việt Nam ủng hộ ông Trump. Với kinh nghiệm làm việc của ông với người Việt , ông nghĩ gì về con số giả định và hiện tượng này?
GS Carl Thayer: Người Việt sống ở Mỹ rời Việt Nam sau năm 1975 đều chịu thiệt thòi trong cuộc chiến kéo dài. Họ bị mất tài sản và chỗ đứng trong xã hội. Họ đã bị người cộng sản chiến thắng đối xử tệ. Kinh nghiệm và tinh thần chống cộng của họ đã được truyền lại cho con cái. Con cái họ lớn lên trong một xã hội dân chủ, ít liên quan đến hệ thống độc đảng và đàn áp nhân quyền cũng như tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Những chính quyền Dân chủ liên tiếp (Carter, Clinton và Obama) đã chịu trách nhiệm giao tiếp với Việt Nam. Quan điểm ủng hộ Trump của người Mỹ gốc Việt có thể được giải thích bởi lập trường chống giới chính trị gạo cội của ông, đặc biệt là đối với Hillary Clinton (vợ của một tổng thống đảng Dân chủ và ngoại trưởng của một tổng thống khác), cũng như chiến tranh thuế quan của Trump với Trung Quốc. Nhiều người Mỹ gốc Việt coi chính phủ Hà Nội là yếu kém trong việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Các cuộc thăm dò được thực hiện giữa các nhà lãnh đạo dư luận Việt Nam tại Việt Nam cho thấy mức độ ủng hộ Trump cao chỉ đứng sau Philippines. Những người Việt Nam này ngưỡng mộ biểu tượng của Trump, khả năng lãnh đạo mạnh mẽ và cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
BBC: Là một người Mỹ, ông nghĩ gì khi thấy người Việt và người Mỹ gốc Việt ủng hộ ông Trump nhiều như vậy?
GS Carl Thayer: Tôi hiểu tình cảm của họ và tôn trọng quan điểm của họ. Bởi vì tư cách của tôi là Giáo sư, các cuộc trò chuyện của chúng tôi không được đánh dấu bởi sự tức giận, mà là những trao đổi quan điểm thực sự. Ví dụ, trong các cuộc trò chuyện, tôi dùng ví dụ về Úc là một quốc gia dân chủ có đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc. Tôi cố gắng khuyến khích thảo luận về cái giá phải trả và lợi ích của việc đưa ra lập trường chống Trung Quốc. Tôi cũng cố gắng giải thích Trump đã gây rối như thế nào đối với Úc, một đồng minh, bằng cách rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, rút khỏi Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu và làm suy yếu Tổ chức Y tế Thế giới. Tôi cũng lưu ý rằng Hoa Kỳ rất muốn thắt chặt Việt Nam vào quan hệ đối tác chiến lược chống Trung Quốc.
BBC: Một số học giả Trung Quốc khi trả lời phỏng vấn trước đây từng nói rằng Trung Quốc muốn ông Trump tái đắc cử, trong khi tình báo Mỹ gần đây có tin ngược lại. Ông nghĩ sao về sự kiện này?
GS Carl Thayer: Tôi bị ảnh hưởng bởi hàng loạt các báo cáo trên phương tiện truyền thông về các cuộc họp giao ban của các quan chức tình báo Hoa Kỳ về sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử năm 2020 của Hoa Kỳ. Bốn quốc gia được nêu tên – Nga, Iran, Triều Tiên và Trung Quốc. Cho đến nay không có bằng chứng công khai nào cho thấy Trung Quốc đang thực hiện “các biện pháp tích cực” để can thiệp trực tiếp vào cuộc bầu cử của Hoa Kỳ.
Giả định của tôi là khả năng dự đoán cao hơn là Trung Quốc muốn quan hệ với Hoa Kỳ ổn định hơn chứ không muốn có sự gián đoạn lớn trong quan hệ giữa hai nước, với do đó sẽ thích Joe Biden hơn Donald Trump. Trung Quốc đã không ngần ngại chỉ trích Chính quyền Trump trước công chúng và nhắm mục tiêu tuyên truyền của nhà nước vào cộng đồng nông dân Mỹ ở miền Trung-Tây Hoa Kỳ.
BBC:Ông còn điều gì muốn nói thêm về đề tài này?
GS Carl Thayer: Tập Cận Bình sẵn sàng để đối phó với bất kỳ ai được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 này. Ông Tập coi Trung Quốc có ưu thế hơn Hoa Kỳ vì nước này đang phục hồi kinh tế sau đại dịch virus corona và vì Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò lãnh đạo trong các thể chế đa phương.
GS Carl Thayer là nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế. Ông đến Úc tháng 11/1971 để nghiên cứu Tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Úc và quyết định định cư luôn ở đó. Ông cũng đã làm việc ở Hawaii từ năm 1999-2002 tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương với tư cách là nhân viên của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
BBC News Tiếng Việt luôn ủng hộ những ý kiến đa chiều. Độc giả muốn đóng góp ý kiến về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, xin vui lòng liên lạc với chúng tôi tại email: [email protected]