Dù lịch sử Việt Nam trải qua nhiều thăng trầm trong thời kỳ nô lệ Pháp – Tàu, nhưng tiếng nói không bị đồng hóa, văn khẩu trường tồn có giá trị lớn lao lưu truyền trong dân gian. Một ngàn năm Bắc thuộc (111 trước CN và 938 sau CN) muốn là đồng hóa dân Việt bằng cách dùng chữ Hán trong văn tự, nhưng may mắn chưa được truyền bá sâu rộng. Nhờ chiến thắng của Ngô Quyền năm 938 giành lại chủ quyền, dân tộc Việt Nam thoát khỏi vòng nô lệ, bước sang thời kỳ tự chủ chữ Nôm bắt đầu được hoàn chỉnh dần và mãi đến thế kỷ thứ 13 khi quan Hình Bộ thượng thư Nguyễn Thuyên dưới triều Trần Nhân Tông (1279-1293) làm bài văn „Tế cá sấu“ bằng chữ Nôm, chữ Nôm được xem như chữ Quốc ngữ bên cạnh chữ Hán. Tập thơ Nôm của Chu Văn An (1229-1370) là „Tiểu ẩn quốc ngữ thi tập“, là 8 tập thơ Quốc ngữ. Hồ Quý Ly và sau nầy Nguyễn Huệ cũng rất chú trọng đến chữ Nôm. Hồ Quý Ly chỉ thị các quan phải bắt đầu viết sắc, viết biểu tấu bằng chữ Nôm và cho dịch Kinh Thi ra chữ Nôm.
Chữ Nôm 字喃·𡨸喃·��喃 là cách viết trong thời cổ đại và trung đại của tiếng Việt[1], là ngôn ngữ quốc gia (quốc ngữ), gọi là Quốc Âm. Chữ Nôm viết và đọc theo âm của người Việt là gia tài văn hóa riêng của dân tộc Việt Nam. Người Trung Hoa không hiểu, không đọc được, người Việt đọc chữ Hán nhưng nói theo âm tiếng Việt. Nhiều người không biết chữ Hán và chữ Nôm nhưng nhờ có những tác phẩm văn vần chữ Nôm được truyền khẩu trong dân gian, nghe mãi rồi thuộc lòng từng đoạn hay có khi thuộc cả tác phẩm dài hàng ngàn câu[2]. Chữ Nôm phát triển trong suốt 500 năm từ thế kỷ thứ 14 nhưng bị giới hạn, vì trải qua nhiều triều đại phong kiến, quân chủ đã lấy Hán văn làm văn tự. Thời đó chọn người tài theo lối thi phú, cho đến các khoa thi Hương năm 1915, thi Hội năm 1919 thì chấm dứt nền Hán học.
Các bộ sách giáo khoa ngày xưa phải học:
* Tứ Thư 四書 gồm có: Đại học 大學 Trung Dung 中庸, Luận Ngữ 論語 Mạnh Tử 孟子,
* Ngũ Kinh 五經. gồm có Kinh Thi 詩經 Kinh Thư 書經 Kinh Lễ 禮記 Kinh Dịch 易經 và Kinh Xuân Thu 春秋.
Những tác phẩm văn vần chữ Nôm nổi tiếng
Chinh Phụ Ngâm khúc (征婦吟曲) của Đặng Trần Côn chữ Hán, Đoàn thị Điển (1705-1746) diễn dịch thơ chữ Nôm; Cung Oán Ngâm Khúc (宮怨吟曲) của Nguyễn Gia Thiều (1741-1798); Đoạn Trường Tân Thanh (斷腸新聲) của thi hào Nguyễn Du (1766-1820) là những tác phẩm chữ Nôm phát triển mạnh mẽ tiêu biểu hàng đầu trong văn chương Việt Nam. Kể từ thời nhà Lê về sau số lượng sáng tác bằng chữ Nôm ngày càng tăng dần với những nữ sĩ nổi danh văn thơ bóng bẩy, lời văn trang nhã, bày tỏ nỗi niềm của thi nhân thật duyên dáng súc tích trên văn đàn Việt Nam như: Hồ Xuân Hương (1772-1822). Ai Tư Vãn (哀思挽) của Lê Ngọc Hân công chúa (1770-1799); bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh (1805-1848), Sương Nguyệt Ánh tên thật là Nguyễn Thị Khuê (1864-1921). Chữ Nôm là văn tự chính trong nền văn chương Việt Nam đến cuối thế kỷ 19.
Hình thành chữ Quốc ngữ theo mẫu tự Latin
Thế kỷ thứ 17 từ năm 1651 chữ Quốc ngữ phổ biến từ đạo qua đời, từ tôn giáo đến văn hóa, do các giáo sĩ thừa sai dòng Tên đến từ châu Âu là: Francesco de Pina, Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa và Alexandre De Rhodes dựa theo cách phát âm tiếng Việt, viết theo mẫu tự Latin. Trong công việc này có sự hợp tác tích cực và hiệu quả của rất nhiều người Việt Nam, trước hết là các thầy giảng Việt Nam (giúp việc cho các linh mục người Âu). Alexandre De Rhodes (Cha Đắc Lộ) có công lớn trong việc góp phần sửa sang và hoàn chỉnh bộ chữ Quốc ngữ. Ðặc biệt là ông dùng bộ chữ ấy để biên soạn. Năm 1651 lần đầu tiên ông in cuốn từ điển Việt – Bồ – La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum). đây là bằng chứng đánh dấu sự ra đời của chữ Quốc ngữ. Vì chính sách cấm đạo đàng Trong lẫn đàng Ngoài của triều đình Việt Nam, giết hại giáo sĩ nên chữ Quốc ngữ không thể phát triển và truyền bá rộng rãi… Hơn một thế kỷ sau, năm 1783 cuốn tự điển Quốc ngữ thứ nhì do Pigneau de Behaine (Giám mục Bá Đa Lộc, còn gọi là Cha Cả, là nhà truyền giáo ở hải ngoại của Hội Thừa Sai Paris/ Séminaire des Missions Étrangères.) soạn bản thảo: „Dictionarium Anamitico Latinum (1773)“ dày 735 trang được giáo sĩ Jean-Louis Taberd cùng Phan Văn Minh khi chưa làm linh mục và nhiều giáo sĩ Việt Nam, giáo dân cộng tác với Đức cha Taberd ba năm liền để hoàn chỉnh cuốn „Dictionarium Anamitico-Latinum / tiếng việt và tiếng Latin ấn hành năm 1832“. Tự điển nầy giúp chữ Quốc ngữ trở thành một hệ thống ngữ pháp có quy tắc và khoa học, dễ viết, dễ phát âm, dễ học. Tờ Gia Định Báo in chữ Quốc ngữ đầu tiên phát hành tại Sài Gòn 15.4.1865, năm 1908 chữ Quốc ngữ bắt đầu thay thế chữ Nôm và Hán. Chúng ta không quên ơn những cố học giả tây học nổi tiếng là. Petrus Trương Vĩnh Ký (1837-1899), Paulus Huỳnh Tịnh Của (1830-1908) và Thánh Philip Phan Văn Minh (1815-1853) là những người hăng say, sốt sắng với Quốc văn từ đầu. Dịch thuật, viết báo, biên soạn giáo khoa, làm tự điển Việt-Pháp Pháp-Việt. Tiếp theo do sự cổ động của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, kết hợp với nhiều nhà trí thức cấp tiến thời đó, khởi xướng ra các phong trào Duy Tân, Đông Du nhằm vận động cải cách văn hóa, chính trị trên toàn quốc, kêu gọi bãi bỏ Hán học, khuyến khích học Quốc ngữ để nâng cao dân trí, với lý do đơn giản: Quốc ngữ dễ học, dễ viết, dễ phổ cập hơn chữ Hán. Họ đã vận động phong trào mở trường dạy chữ Quốc ngữ khắp nước, rầm rộ nhất là ở Quảng Nam (1905), Bình Thuận Trường Dục Thanh, (1907) Hà Nội Đông Kinh Nghĩa Thục (1907), chữ Quốc ngữ là văn tự chính thức của người Việt, dù chương trình học theo hệ thống giáo dục của Pháp, thực dân Pháp muốn dùng chính sách ngu dân để dễ cai trị, nên mở trường giới hạn nhằm đào tạo ra một giới trí thức làm việc cho họ. Ngày 18 tháng 9 năm 1924 toàn quyền Đông Dương Martial Merlin (1923-1925) ký quyết định chính thức cho dạy chữ Quốc ngữ ở ba năm đầu tiểu học. Phái tân học cũng như nhóm Tự Lực Văn Đoàn tiếp tục phát triển đưa chữ Quốc ngữ nhanh chóng trở thành văn tự phong phú giúp Việt Nam chấm dứt vĩnh viễn giai đoạn lệ thuộc chữ Hán và ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa.
Trở lại vấn đề Chinh Phụ Ngâm Khúc cũng như các tác phẩm văn chương khác từ chữ Nôm dịch sang chữ Quốc ngữ[3]. Trước 1975 chương trình giáo dục VNCH dùng những tác phẩm này giảng dạy cho học sinh Trung học.
Bối cảnh văn học sử
Sự ra đời tác phẩm Chinh Phụ Ngâm là thời gian Nguyễn Kiều đi sứ Trung Hoa, ở nhà Bà Đoàn Thị Điểm săn sóc 3 đứa con của chồng đời vợ trước, không quên bổn phận về nhà thăm mẹ già, cùng chăm nom 2 đứa cháu con người anh. Ông Đặng Trần Côn 鄧 陳 琨 sáng tác Chinh Phụ Ngâm bằng Hán văn 征 婦 吟 曲 gởi bà xem thi phẩm đó. Đoàn Thị Điểm sinh trưởng cùng thời với Đặng Trần Côn trong giai đoạn chiến tranh triền miên, bối cảnh lịch sử ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc đời của thi nhân. Trong thời gian vắng chồng, bà đọc say mê tác phẩm nầy vì CPN nói lên nỗi lòng của chính mình, người chinh phụ cô đơn nhớ chồng… Bà dịch Chinh Phụ Ngâm khúc ra chữ Nôm theo lối thơ trữ tình song thất lục bát gây xúc động cho người đọc nên được phổ biến sâu rộng trong dân gian, và danh bà đã gắn liền với tác phẩm được lưu truyền mãi mãi đến các đời sau.
Thân thế và sự nghiệp bà Ðoàn Thị Ðiểm 段氏點 (1705-1746) hiệu Hồng Hà nữ sĩ, sanh năm Ất Dậu thời nhà Lê Trung Hưng, đời vua Lê Hy Tông, Chúa Trịnh là Định Vương Trịnh Căn và Chúa Nguyễn ở phương Nam là Nguyễn Phúc Chu. Cuối thời Trịnh-Nguyễn phân tranh (1627-1775). Thân phụ bà là Ðoàn Doãn Nghi, anh trai danh sĩ Ðoàn Doãn Luân. Quê ở xã Hiến Phạm, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh, thân phụ qua đời bà và mẹ về ở với anh ở huyện Ðường Hào, tỉnh Hải Dương (nay là Hải Hưng). Năm 16 tuổi, Thượng thư Lê Anh Tuấn xin bà làm con nuôi rồi ngỏ ý muốn tiến bà vào cung chúa Trịnh, nhưng bà không chịu chỉ ở ít lâu bà xin về cùng với anh chăm học trở nên người sành văn chương. Bà có sắc đẹp nhưng kén chồng.
Người anh qua đời bà phải gánh nặng gia đình, từng làm nghề thầy thuốc, dạy học, nhiều người đến hỏi cưới nhưng bà đều từ chối. Năm 37 tuổi bà lập gia đình với tiến sĩ Nguyễn Kiều, người làng Phú Xá, huyện Từ Liêm. Bà Đoàn Thị Điểm về nhà chồng, sống với chồng rất tâm đầu ý hợp, khi rảnh thường hay xướng họa thơ văn. Nhưng chưa đầy một tháng sau thì được lịnh vua gọi quan Thị lang Nguyễn Kiều đi làm Chánh Sứ sang triều cống nhà Thanh. Ông phải phụng chiếu ra đi, thông thường đi sứ như vậy trong vòng 2 năm thì xong việc, nhưng lần nầy khi sứ bộ trở về tới Quảng Tây gặp lúc dân chúng nổi lên chống nhà Thanh nên bị nghẽn đường. Sứ bộ Việt Nam phải lưu lại cả năm trời, chờ đến khi yên giặc. Trong thời gian nầy, những ngày Tết tha hương Nguyễn Kiều làm nhiều bài thơ nhớ nhung người vợ mới cưới nơi quê nhà.
Tứ thơ niềm khách bên đèn mộng,
Tiếng pháo hò xe rộn ngõ ngoài.
Sau hơn 3 năm xa cách Nguyễn Kiều trở về vợ chồng sum họp, bà Điểm trao cho chồng xem bản diễn Nôm Chinh Phụ Ngâm, như bày tỏ nỗi niềm thương nhớ, đợi chờ. Năm 1748, ông Kiều được cử làm Tham thị ở Nghệ An, bà cùng chồng lên đường đến nhiệm sở mới và bị bệnh qua đời tại đây ngày 11.09.1746. Thương cảm người bạn đời vắn số, Nguyễn Kiều viết bài văn tế, hết lời ca tụng văn tài và đức hạnh của bà :
Đào chưa tươi đã khô
Quế đang thơm đã rũ
Rừng sâu bể rộng nàng hỡi đi đâu
Ngọc nát châu chìm lòng tôi quặn nhớ…
Nghi án văn học bản dịch CHINH PHỤ NGÂM của ai?
Chinh phụ ngâm là tác phẩm trữ tình, là tâm sự giãi bày cảm xúc số phận bi thương của người chinh phụ khi tình yêu và hạnh phúc đang ở độ nồng nàn đắm say mà phải xa nhau vì chinh chiến, diễn tả mọi buồn thương, oán trách, tiếc nuối, lo lắng, xót xa, nhớ nhung, mong đợi… của người chinh phụ.
Bà Đoàn Thị Điễn diễn dịch thơ Nôm theo âm điệu song thất lục bát đều đều, trầm lặng, qua âm thanh nhạc điệu vấn vương êm đềm như: tiếng trống, tiếng nhạc… đưa người vào thế giới của mộng, của mơ, của nhớ thương… Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện (Paris) cảm xúc dòng nhạc trong lòng người chinh phụ nên phổ thành nhạc (mời nghe nhạc phần cuối bài).
Năm 1936 có tài liệu dẫn chứng ông Phan Huy Ích 潘輝益. (1751-1822) làm quan của nhà Hậu Lê và cũng là một công thần của nhà Tây Sơn đã hoàn chỉnh bản dịch Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn, bà Đoàn Thị Điểm sinh năm 1705, ông Phan Huy Ích nhỏ hơn bà Điểm 46 tuối, người diễn Nôm đầu tiên vẫn là bà Đoàn Thị Điểm. Bản dịch diễn thơ CPN của bà Đoàn thị Điểm là tâm tư, cảnh ngộ của chính bà khi xa chồng, minh chứng bà khen Đặng Trần Côn qua hai câu cuối trong Chinh Phụ Ngâm:
Tương hội, tương kỳ tương ký ngôn
Ta hồ! trượng phu đương như thị
Nghiã là cùng gặp gỡ, hẹn hò cùng gởi lời thiếp mỏi mong. Than ôi trượng phu nên như thế. Bà Điểm dịch ra thơ Nôm thêm chữ tài lành để nhắn cho ai đó, vẫn mãi mãi làm rung động cõi lòng như gợi niềm luyến tiếc xa xôi…
Ngâm nga, mong gởi chữ tình 吟哦矇𠳚𡦂情
Dường này âu hẳn tài lành trượng phu! 尼歐罕才丈夫
Theo tài liệu „Chinh Phụ Ngâm có 7 bản dịch và phỏng dịch bằng các thể thơ lục bát (3 bản) hoặc song thất lục bát (4 bản) của các dịch giả: Đoàn Thị Điểm, Phan Huy Ích, Nguyễn Khản, Bạch Liên am Nguyễn và hai tác giả khuyết danh. Bản dịch thành công nhất và phổ biến nhất xưa nay, theo thể song thất lục bát, có độ dài 412 câu (theo bản in chữ Nôm cũ hiện còn, ký hiệu 1902:AB.26) hoặc 408 câu (một bản in khác lưu tại thư viện Paris) có người cho là Đoàn Thị Điểm, có người cho là của Phan Huy Ích, giáo sư Hoàng Xuân Hãn xuất bản cuốn Chinh phụ ngâm bị khảo (Paris, Minh tân, 1953) ông cho rằng người dịch từ chữ Hán ra chữ Nôm là Phan huy Ích chứ không phải là Đoàn thị Điểm“. Kết luận của ông Hãn có hợp lý không? bản chữ Nôm lời văn nhẹ nhàng của nữ giới hợp với tâm trạng của người thiếu phụ chờ chồng. Gia phả họ Phan chỉ nói có bản dịch mà không có di cảo, bản của Nguyễn Khản cũng chưa tìm ra được.
Viện Nghiên Cứu Hán Nôm ở Hà Nội có thể họ đủ tài liệu tham khảo nên trong phần theo Di Sản Hán Nôm viết „Nỗi nhớ mong chồng và niềm ước mơ cuộc sống lứa đôi của người chinh phụ có chồng chinh chiến phương xa. Nguyên văn viết bằng chữ Hán theo thể trường đoản cú của Đặng Trần Côn, bản dịch ra chữ Nôm theo thể ngâm 7-7/6-8 của Đoàn Thị Điểm“. http://bit.ly/14XXUEU. Có thể kết luận Phan Huy Ích nhuận sắc lại bản dịch trước kia của Đoàn Thị Điểm thì đúng hơn, mong nghi án văn học sớm được giải mã đúng sự thật.
Trải qua nhiều thế kỷ dân tộc Việt Nam phải đương đầu chống giặc ngoại xâm, trai tráng phải tòng quân dẹp giặc, vì hoàn cảnh xã hội những người phụ nữ phải đảm nhiệm công việc gia đình. Chinh Phụ Ngâm là một áng văn tuyệt diệu nói lên tâm sự của một người vợ có chồng đang chiến đấu ngoài biên thùy xa xăm. Người chinh phụ sống cô đơn lạnh lẽo với trăm nhớ, ngàn thương, lời văn làm rung động lòng người. Nhập đề là cảnh báo về thảm hoạ của chiến tranh, nhất là thảm hoạ mà người phụ nữ phải gánh chịu :
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi 𨤧𡗶坦常欺𡏧
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên 客𦟐紅𡗉餒迍邅
Xanh kia thăm thẳm tầng trên 撑箕𠽉瀋層𨕭
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này 爲埃𨢟孕朱𢧚餒尼
Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt 𪔠長城龍𩃳月
KhóiCam Tuyền mờ mịt thức mây 𤌋甘泉𥊚䁾式𩄲
Chín lần gươm báu trao tay 𠃩吝鎌宝𢶢𢬣
Thân phận làm trai trong cuộc chiến phải xếp bút nghiêng để thi hành nhiệm vụ người trai thời loạn. Người chinh phụ trong lòng buồn khổ nhưng rồi tự hãnh diện và ngưỡng mộ cái chí khí anh hùng thời loạn chống giặc của chinh phu:
Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt, 払歲𥘷本𣳔豪傑 Xếp bút nghiên theo việc đao cung 摄筆硯蹺刀弓 Thành liền mong tiến bệ rồng 城連矇進陛𧏵 Thước gươm thề quyết chẳng dung giặc trời. 𡱩鎌㐌决容賊𡗶 Chí làm trai dặm nghìn da ngựa. 志爫𨤵𠦳䏧馭 Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao. 招泰山平度鴻毛 Giã nhà đeo bức chiến bào 茄㧅幅戦袍 Thét roi cầu Vị ào ào gió thu. 㗂榑橋渭遁𠓨秋
Người chinh phụ ở nhà tưởng tượng người chồng nơi chiến trường rực rỡ, uy nghi cữi ngựa trắng như một trang dũng tướng giữa đoàn quân:
Áo chàng đỏ tựa ráng pha 襖払𧺃似𩄐坡 Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in.馭払色𤽸如雪印
Thương nhớ chồng, người chinh phụ luôn lo tròn trách nhiệm với con, với mẹ chồng, nhưng đêm về một mình đơn chiếc cảm thương cho tình cảnh lẻ loi của chính mình, chỉ biết âm thầm chờ đợi trong khổ đau mòn mỏi:
Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi 𢚸妾似𩃳𦝄蹺唯
Dạ chàng xa muôn cõi nghìn non. 胣払賖𡎝𠦳��
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy 共吏麻共𧡊 Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu 𧡊撑又仍岸橷 Ngàn dâu xanh ngắt một màu 岸橷撑屹𠬠牟 Lòng chàng ý thiếp, ai rầu hơn ai? 𢚸払意妾埃愁欣埃
Thực trạng đời sống nội tâm tràn ngập đau buồn nhưng chàng xa xôi quá em biết gửi tâm sự về đâu…
Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai? 餒𢚸別吘共埃
Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây. 妾𥪝𦑃払外𩄲
Đời sống đôi khi trở thành mộng, những nỗi khao khát hạnh phúc yêu đương thầm kín của người chinh phụ chỉ tìm vào giấc mộng, dù giấc mộng chợt đến chợt đi, mà thực tế thì phủ phàn bởi ngày tháng trôi qua trong vắng lạnh cô đơn, chua xót đợi chờ người chinh phu trở lại trong nắng ấm tình nồng vẫn còn mù mịt khói mây…
Sum vầy mấy lúc tình cờ 森圍𣅶情期 Chẳng qua trên gối một giờ mộng xuân 戈��襘𠬠𣇞夢春 Giận thiếp thân lại không bằng mộng 恨妾身吏空平夢 Ðược gần chàng bến Lũng thành quan 時𧵆払𣷷𨻫城關
Khi mơ những tiếc khi tàn 欺𢠩仍惜欺殘 Tình trong giấc mộng muôn vàn cũng không 情𥪝聀夢萬共空
Tả cảnh đêm buồn thấu tâm can không những sát với nguyên tác mà có phần còn vượt nguyên tác.
Chòm tuyết phủ, bụi chim gù 杶雪抚𡏧𪀄𠵎
Sân tường kêu vẳng, chuông chùa nên khơi. 蝼墻呌永鍾厨㗂𣾺
Vài tiếng dế nguyệt soi trước nóc, 𢽼㗂啼月𢯦屋
Một hàng tiêu gió thốc ngoài hiên. 𠬠行蕉秃外軒
Nhìn cảnh trăng hoa lồng bóng lòng chinh phụ cô đơn khắc khoải đợi chờ người chinh phu ngoài chiến trận, nhìn trăng sáng mà lòng ray rức nhớ thương:
Lá màn lay ngọn gió xuyên, 幔𥪝闌𢼂穿
Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm. 𦝄淶花𩃳𤐝𨕭簾
Hoa đãi nguyệt, nguyệt in một tấm, 花𤋵月月印𠬠
Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông. 月篭花花𧺀曾
Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng phùng, 月花花月重又
Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đau. 花月𥪝𢚸掣
(rất tiếc bản chữ Nôm trong font Unicode thiếu nhiều nét có lổi là „ „ không được hoàn hảo).
Chinh Phụ Ngâm Khúc là nỗi buồn của người chinh phụ, nhưng không thiếu những đoạn đề cao chí khí đấng nam nhi, chiến đấu cho lý tưởng, phụng sự cho đất nước và dân tộc, Sự đề cao tình yêu trong cuộc chiến để khơi dậy lương tâm con người, không một ai muốn xảy ra chiến tranh tương tàn đổ nát, đất nước thanh bình vẫn là niềm khát khao của nhân loại.
Chinh Phụ Ngâm càng ngày càng được tán thưởng dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Bản dịch tiếng Pháp bởi Hoàng Xuân Nhị, „Plaintes d’une Chinh phụ“, Mercure de France xb, Paris 1959. bản dịch tiếng Nhật do giáo sư Takeuchi Yonosuke Đại học Thư lâm xb, Đông kinh 1984. Tiến sĩ Bae Yang Soo, giáo sư khoa Tiếng Việt, Trường Đại học ngoại ngữ Busan (Hàn Quốc) dịch sang tiếng Hàn, bản tiếng Anh do Huỳnh Sanh Thông dịch „The song of a Soldier’s Wife“, Yale University xb, New Haven, Connecticut, 1987.
Truyện Tục Truyền Kỳ Tân Phả 傳奇新譜 văn xuôi chữ Hán có xen thơ và văn tế trong có 7 truyện: trong Nam sử tập biên (Q.5, viết năm 1724) Gia phả họ Đoàn, thì Đoàn Thị Điểm chỉ viết có 3 truyện là:
a/ Hải khẩu linh từ (Đền thiêng cửa biển), là chuyện nữ thần Chế Thống, tức Nguyễn Thị Bích Châu, cung phi của Trần Duệ Tông đã hy sinh thân mình để nhà vua được an toàn đưa chiến thuyền vào đánh quân Chiêm Thành.
b/ Vân Cát thần nữ (Thần nữ Vân Cát), là chuyện bà chúa Liễu Hạnh, một nhân vật huyền thoại có nhiều quyền năng siêu phàm, một trong bốn vị „ Tứ bất tử“ Tản Viên, Thánh Gióng, Liễu Hạnh, Chữ Đồng Tử.
c/ An Ấp liệt nữ (Liệt nữ ở An Ấp), là chuyện vợ thứ ông Đinh Nho Hoàn đời vua Lê Dụ Tông đã tuẫn tiết theo chồng.
Cố nhà văn Lãng Nhân nhận xét Đoàn Thị Điểm: „Bà là một nữ sĩ có thi tài lỗi lạc, lời thơ tao nhã, đài các, bóng bẩy đầy âm điệu. Bà còn là một phụ nữ mẫu mực nho phong, đầy đủ hiếu thảo, nghĩa khí“. Đàn bà Việt Nam nổi danh trong lịch sử như hai Bà Trưng, bà Triệu, Bùi Thị Xuân là những anh hùng liệt nữ vị quốc vong thân….Nhưng người chinh phụ lo việc nhà để người chồng ra chiến trận bảo vệ quê hương cũng đóng góp một vai trò rất quan trọng. Chinh phụ ngâm diễn tả đời sống chinh phụ với một tâm hồn thanh cao luôn hy sinh, tận tụy đảm đang việc nhà, giáo dục con cái và thủy chung. Đức tính cao quý trên của người đàn bà Việt Nam xưa và nay luôn được tôn vinh. Thành thật cảm ơn các nhà văn, học giả của khoahocnet.com, Nguyệt san Cỏ Thơm góp ý quý báu cho bài sưu khảo nầy, tuy nhiên bài viết không tránh được sự thiếu sót, kính mong quý vị thức giả chỉ giáo thêm.
Khi một người biết đọc chữ NÔM thì đọc ngay là TRỜI.
Cụ Nguyễn Du viết truyện Kiều là hoàn toàn viết bằng chữ Nôm. Muốn đọc chữ Nôm thì phải học chữ Nôm chứ không cần phải qua trung gian một ngôn ngữ nào cả.
Góp ý của nhà văn Tiến sĩ Trần Kim Đoàn
[3] Trước đây những bài thơ nôm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm hay cả truyện Kiều người mình vẫn quen gọi là thơ QUỐC ÂM. Nếu mình gọi QUỐC ÂM được thì dùng quốc ngữ để viết được rồi. Quốc ngữ hồi xưa của mình là chữ Nôm (chữ Việt gốc Hán), khi chữ Việt gốc La Tinh dần phát triển và thay thế chữ Nôm có thể những người phụ trách việc giáo dục quốc dân sẽ tự động chuyển những tác phẩm chữ Việt gốc Hán (chữ Nôm) sang chữ Việt gốc La Tinh thôi. Bản Chinh Phụ Ngâm bà Đoàn Thị Điểm diễn NÔM là một tập thơ quá hay tất nhiên cũng sẽ được nhiều người yêu thích và sẽ tự động chuyển ra chữ Việt hiện đại để phổ biến. Việc tìm hiểu ai là người viết bản thơ này sang loại chữ Việt abc đầu tiên khó lắm . Cũng xin ông lưu ý một điểm là sau này con cháu ông Phan Huy Ích lại cho rằng bản dịch Chinh Phụ Ngâm (mà thời chúng ta được học, được dạy là của bà Đoàn Thị Điểm) là do ông Phan Huy Ích dịch.