Diễn Đàn Bạn Đọc

Người Việt Gốc Hoa

CHUYỆN VUI NGƯỜI VIỆT GỐC HOA.
Gởi nhà văn Tiểu Tử của truyện “Síu” và hai nhà văn Thinh Quang và Đường Sơn, cùng nhiều người Việt gốc Hoa khác gia nhập QLVNCH bảo vệ chiến tuyến của người QG, và những người Hoa sinh đẻ ở Việt Nam, trung thành với xứ sở Việt Nam,..
 Truyện vui: Người Việt Gốc Hoa

Tác giả nguyên là một sĩ quan hải quân VNCH, một nhà thơ quân đội. Sau tháng Tư 1975, ông là người tù chính trị, định cư tại Mỹ theo diện H.O., hiện là cư dân San Diego. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu tiên, Phạm Hồng Ân đã nhận giải danh dự 2012. Sau đây là bài viết mới nhất của ông, nhân ngày tưởng niệm Hoàng Sa, 19 tháng Giêng, 2013.

—————————-

Người Việt Gốc Hoa Chống Tàu
 Tôi gặp lại A Tỷ ở chợ Thuận Phát, sau 10 năm anh ta biệt tích giang hồ. Chúng tôi quen nhau vì cùng làm chung trong một hãng “bù tèo”. Cái hãng toàn người già với đồng lương mắc dịch chưa lần nào nhích khỏi năm đầu ngón tay.

A Tỷ người Tàu, gốc Bạc Liêu. Năm 1978 mua thuyền đánh cá, xuống Cà Mau vượt biên với mấy ông ba tàu khác. Vượt biên đâu phải chuyện dễ. Vượt biên, chẳng những vượt qua muôn trùng sóng gió của biển, thuyền nhân còn vượt qua móng vuốt của công an việt cộng, của cướp biển, thảo khấu, và lòng thờ ơ nơi những nước láng giềng. Cho nên A Tỷ đến đảo chỉ còn cái quần xà lỏn, giấy tờ rớt mẹ đâu mất hết. Đến khi phỏng vấn qua Mỹ, mấy ông ba tàu khác xúi A Tỷ khai sụt tuổi để dễ kiếm việc làm. Chủ Mỹ không ai dại gì bỏ tiền ra thuê một ông già về quờ quạng như con rùa lật ngửa.

A Tỷ vốn chân thật, dễ tin người. Nhưng tội nghiệp, khi gặp phái đoàn Mỹ, anh ta lúng ta lúng túng thế nào mà khai sụt một hơi 13 tuổi. Thế là, trong lúc bạn bè trang lứa với A Tỷ về hưu, hưởng thú đó đây – thì lão lại khòm lưng bên cỗ máy, cà rịch cà tang kéo lê kiếp trâu già. Mãi đến khi hãng “bù tèo” dẹp tiệm, A Tỷ mới thoát khỏi ách cày. Từ đó, lão biệt tích luôn, tới bây giờ chúng tôi mới gặp lại.

Mười năm xa nhau, A Tỷ vẫn còn nhớ tôi. Vừa thấy tôi cầm gói trà Green Tea lên ngắm ngía, bàn tay lão đã chận ngang trước ngực.

– Hày, Nị đừng uống cái lày. Đồ Trung Quốc đó! Kiếm trà Nhật uống, chắc ăn hơn.

– Trời đất! A Tỷ đây ư! Lâu quá không thấy nị. Sao? Còn ở đây không?

– Hày, Mạnh giỏi hông? Ngộ vẫn ở đây. Mấy năm nay bịnh. Tưởng bán muối dồi chớ…

Gói trà màu sắc tuyệt đẹp. Tôi vẫn còn cầm trong tay ngắm nghía nó, chưa muốn bỏ lại.

– Hày, Nị đừng mua đồ Trung Quốc. Nó mần ăn không tốt, bỏ tầm bậy tầm bạ trong đó. Nị vừa mất tiền, vừa hại thân.

– Sao nị biết đồ Trung Quốc không tốt?

– Chời ơi! Nị không coi báo, coi đài. Không đi chợ nghe người ta nói với nhau sao? Họ tẩy chay đồ Trung Quốc khắp nơi.

Tôi ngó lom lom A Tỷ.

– Nị cũng là người Trung Quốc, sao nói xấu Trung Quốc?

– Hày, Có sao nói vậy. Ngộ không nói xấu. Như ngộ có cái kềm Mỹ, xài tới rỉ sét vẫn chưa hư. Thằng con ngộ mới mua cái kềm Trung Quốc về xài, siết tới siết lui mấy cái, nó sút mẹ cái càng ra. Ối cha! Vừa tốn tiền, vừa báo hại.

Tới đây, A Tỷ vẫn chưa chịu ngừng.

– Ngộ đâu phải người Trung Quốc. Ngộ là người Việt gốc Hoa. Ông cố ngộ mới là người Tàu. Hồi xưa, bên Tàu, nhà Thanh đánh bại nhà Minh, đuổi nhà Minh đi khỏi nước. Ông cố ngộ mới theo tướng Mạc Cửu chạy qua Việt Nam xin tá túc. Mạc Cửu sau này là công thần của vua An Nam, có lăng miếu đàng hoàng ở Hà Tiên. Còn ngộ, đẻ ra ở Việt Nam thì Việt Nam là quê hương của ngộ chớ. Cũng như cháu nội nị đẻ ở bên Mỹ thì Mỹ là quê hương của cháu nội nị. Nó có biết chi về Việt Nam đâu?

A Tỷ nói thao thao cho đến khi tôi trả gói trà lên kệ, lão mới thôi. Loay quay một lúc, A Tỷ kéo tôi ra khỏi quán, sau khi hào phóng tặng tôi nguyên phong trà green tea Nhật Bổn. Buổi sáng, nắng rực rỡ. Khu Linda Vista xôn xao với hàng quán tấp nập. Chính nơi này,10 năm trước, A Tỷ dẫn tôi tới đây ăn tô phở đầu tiên ở góc phố đằng kia, rồi lôi tôi về nhà nhờ hướng dẫn trồng các loại cây mà bên Mỹ này chưa có người việt nào muốn trồng bao giờ.

– Hày, ngộ với nị qua bên kia làm tô mì chơi. Đừng ngại, ngộ bao cho.

Ngó mái tóc bạc như bông gòn của A Tỷ, tôi bỗng thấy nao nao.

– Nị mới trúng super lotto đêm qua, phải không?

– Hày, Bộ trúng mới bao sao? Ngộ muốn trả ơn nị, chút đỉnh mà…

Tôi chưng hửng.

– Trả ơn? Nhưng ơn gì?

A Tỷ ôm chầm vai tôi, tha thiết.

– Nị mau quên quá! 10 năm trước, con vợ ngộ muốn trồng dừa. Ngộ chạy ra chợ mua trái dừa gáo, về đào đất, dồi đặt xuống. Ngày nào hai vợ chồng cũng bỏ phân, tưới nước, trông nó lên cây. Nhưng trông riết, nó cứ trơ trơ. Giận quá, ngộ đào lên, cái gáo dừa thúi quắc.

– Rồi tôi hướng dẫn nị tìm trái dừa còn nguyên vỏ. Về nhà, ủ nó lên mọng, mới đem ra vườn, đào lỗ, đặt xuống chứ gì?

A Tỷ vỗ tay, cười khục khặc.

– Đúng dồi! Bây giờ cây dừa đã có trái. Con vợ ngộ khoái quá. Nó nói nó mang ơn nị.

– Cái đó tôi học lóm người ta, chỉ lại nị. Ơn nghĩa chi?

A Tỷ chưa chịu buông tha.

– Còn một cái nữa, nị quên dồi. Nị nhớ nị có ra mắt cái CD chưa? CD ngâm thơ đó…

Kỷ niệm chợt trở về. Cách đây khá lâu, lúc còn làm chung hãng “bù tèo” với A Tỷ, có ông bạn thân khuyên tôi nên ra mắt CD ngâm thơ để có cớ tụ họp bạn bè văn nghệ lại, xem ai còn ai mất? Tôi đem giấy mời vào hãng, trao đến tay các anh em người Việt. Riêng A Tỷ, tôi không mời, vì nghĩ anh ta chẳng rành nhiều về tiếng Việt. Nhưng thật ngạc nhiên, khi thấy A Tỷ tiến đến gần tôi, tỉ tê trách móc.

– Hày, ngộ với nị quen biết nhau lâu quá. Nay ra mắt CD, sao lại bỏ ngộ ra. Nói thiệt, nị không cho ngộ đi, ngộ cũng tìm cách đi cho được. Bạn bè mà.

Thế là tôi đành trao giấy mời cho A Tỷ.

Hôm nay, A Tỷ nhắc lại chuyện xưa, chắc có mục đích chi đây?

– Vụ CD đã lâu rồi. Bây giờ, cái dĩa không nghe được nữa hả?

– Đâu có. Cái CD ngâm thơ hay quá! Nhiều người khen nị. Ngộ cũng muốn khen nị đó mà.

– Trời đất! Nị cũng khoái thơ nữa ư?

– Hày, Sao không? Để ngộ ngâm cho nị nghe nha!

Quảng Đông ăn cá bỏ đầu

Triều Châu len lén xỏ xâu đem dìa.

Thấy có người khen thơ mình, lại là người Hoa, tôi khoái chí.

– Thế… bài thơ nào nị thích nhất? Nó nói về cái gì? Tình cha, tình mẹ hay tình yêu?

– Chời ơi! Nị hỏi nhiều quá, ngộ đâu có biết!

Tôi ngó lom lom A Tỷ, mồm há hốc.

– Vậy sao nị khen hay. Hay ở chỗ nào?

– Không giấu gì nị. Con vợ ngộ mất ngủ mấy năm trời. Uống đủ thứ thuốc, đêm nào cũng vẫn nằm thao thức, thở ra thở vô. Có cái CD của nị, mới mở ra, chưa đầy nửa tiếng, con vợ nó lăn ra ngủ khò khò hồi nào không hay. Lâu dồi, nó muốn gặp nị, để…trả ơn.

Tôi tiu nghỉu.

– Nị nói giỡn hay nói thiệt, cha nội?

A Tỷ ôm gọn tôi vào lòng.

– Hày, có bao giờ ngộ nói láo nị đâu. Bi giờ mình qua bên kia làm một tô mì đi!

Tôi kéo tay A Tỷ ra, lắc đầu.

– Nị mới làm một bụng rồi. Để khi khác.

Cà kê dê ngỗng một lát, A Tỷ đành chấp nhận lời từ chối của tôi. Trước khi từ giã, lão hứa sẽ mời tôi dự lễ vu quy của con gái lão trong vòng vài tháng nữa. Con nhỏ và thằng nhỏ thương nhau từ những năm đầu đại học. Bây giờ, vừa tốt nghiệp, hai đứa nhỏ quyết định lấy nhau. Tôi gục gặc đầu, ậm ừ trong họng, rồi quay lưng đi. Nhưng bên tai còn nghe văng vẳng giọng A Tỷ vang vang trong gió. Hày, ông sui của ngộ cũng giống như nị, qua diện HO, dân Sài Gòn.

Vài tháng nữa, trông đợi mãi, chẳng thấy bóng dáng tấm thiệp vu quy nào của A Tỷ gửi đến. Thời gian sau, tôi lại gặp lão ở góc chợ Thuận Phát. Thấy A Tỷ, tôi cất giọng phàn nàn ngay.

– Cả tháng nay tôi trông dài cả cổ ra mà có thấy thiệp cưới của ngộ gửi đâu? Bộ nị quên thằng bạn nghèo này sao?

A Tỷ cúi đầu, mếu máo.

– Cha thằng nhỏ nhất định không chịu làm sui với người Tàu. Thằng chả nói người Tàu chiếm đất, chiếm đảo của người Việt. Bi giờ muốn chiếm luôn con trai của y nữa sao?

Tôi bùi ngùi vỗ vai A Tỷ.

– Chuyện qua rồi. Đừng buồn nữa. Nị về ráng an ủi và khuyên lơn con nhỏ. Mất thằng nhỏ này, còn khối thằng nhỏ khác, lo gì!

Mặc tôi chia xẻ, cảm thông, A Tỷ vẫn mếu máo.

– Ngộ là người Việt gốc Hoa. Sinh đẻ ở Việt Nam thì quê hương ngộ chính là Việt Nam. Ngộ cũng đi lính Cộng Hòa, cũng chống Tàu. Vậy mà người ta vẫn không ưa ngộ.

 – Tác giả: Phạm Hồng Ân –
oOo
Tôi là người Việt gốc Tàu
Tôi được sinh ra và lớn lên trên miền Nam Việt Nam. Ngôn ngữ đầu tiên tôi biết nói, đọc và viết là tiếng Việt, dù theo gia phả của dòng họ, tôi là người gốc Tàu. Những người bạn của tôi từ thuở nhỏ, phần đông là người rất … Tàu, vì họ biết nói tiếng Quảng, Hẹ, hoặc Tiều và dĩ nhiên, cả tiếng Việt. Họ theo trường dạy tiếng Tàu từ nhỏ; còn tôi học trường Việt, nhưng chúng tôi vẫn qua lại chơi với nhau đến hết cấp trung học. Không chỉ riêng tôi, mà anh chị em tôi cũng có nhiều bạn học là người Tàu Việt.
Sau nầy, tôi mới có dịp đọc thêm tài liệu về sử Việt Nam (VN), và khám phá ra nhiều điều khá thú vị mà ngày xưa tôi chưa từng được biết qua trong trường lớp: một số nhân vật lịch sử anh hùng chống Tàu, cũng là những người có gốc rất … Tàu. Không phải từ cái họ và tên, tôi đoán mò ra, mà từ tài liệu tham khảo. Ở VN, đại đa số mang họ Nguyễn, Lê hoặc Trần, vì đó là những triều đại lâu dài, ảnh hưởng rộng lớn hơn trong quần chúng. Nhưng không có nghĩa, những người mang họ đó, mới chính thống là người Việt. Cũng như tôi, tôi là người gốc Tàu, mang họ Lê, vì cái họ ngày xa xưa đã thay đổi theo thời gian qua nhiều thế hệ từ nội ngoại. Mảnh đất nầy, ông cố tổ đã chọn làm nơi dung thân, là quê hương thứ hai nhưng cũng đủ đậm đà tình nghĩa, khiến ông quyết định không quay trở lại. Và tôi vẫn tin rằng, trong chúng ta, cũng ít nhiều mang trong người nguồn gốc Tàu, dù theo một số nhà khảo cổ học, trên lý thuyết, dân Lạc Việt xuất phát từ giống thổ cư Indonesia. Điều đó đúng hay không, cũng không quan trọng, tôi chỉ biết rằng, đây là vùng đất đã nuôi nấng tôi bằng hạt gạo qua những sức lao động của người chung quanh. Ơn nghĩa đó, đã nẩy mầm cho sự gắn bó thân thương, và tôi gọi nơi nầy là quê hương.Hôm nay, một lần nữa, “mảnh đất quê hương Việt Nam nầy” đang rúng động trước hiểm họa bị xâm chiếm của Trung Cộng (TC), một quốc gia tự mãn tự xưng là Hán tộc. Đó là một bộ tộc phương Bắc xa xưa của đất Tàu ngày xưa. Họ cũng sống đời du mục, tha phương, và lan tràn xuống hướng Nam. Vì sự sống, họ phải tranh giành, chiến đấu với những tộc khác. Cuối cùng, họ bành trướng rộng lớn, và gần như đồng hóa nhóm thiểu số khác. Có phải chăng, Trung Cộng ngày hôm nay, muốn nâng cao tinh thần Hán tộc, không ngoài mục đích vay mượn khí thế “đấu tranh sống còn” đó để mở rộng “bá quyền” qua sự xâm chiếm những nước nhỏ hơn chung quanh? Và có phải, tôi là người gốc Tàu, thì … “nên hân hoan” ủng hộ hành động đó của TC, như số đông người Tàu ở khắp nơi trên thế giới, hay “nên lạnh lùng” thờ ơ vì tôi không còn đang cư ngụ ở đó, như một số người Tàu Việt sinh sống nước ngoài ? Tôi vẫn có thể “ung dung” nhìn sự việc như một người ngoại quốc xa lạ, và cũng chẳng cần quan tâm dù “mảnh đất” đó có ra sao. Vâng, vì tôi là người gốc Tàu! Đáng lý ra, tôi nên góp phần “phát huy tinh thần Hán tộc chung”, dù bằng ngụy biện để cổ súy cho những điều “không hợp lý lẽ”, hay hoàn toàn “phi lý” của TC, như phần đông người Tàu đang sống và “phục vụ” trên đất nước họ. Tôi đang có được quyền lợi riêng tư và không bị ai xâm phạm, thì ngu dại gì lại đi ưu hoài một mảnh đất xa vời đó? Chỉ có những người đang sống trên VN, họ mới đáng lo ngại cho vận mệnh dân tộc bị “nô lệ”, mới phải!(?)
Thời đại khoa học của thế kỷ 21, đã giúp con người có được những cái nhìn xa rộng, nâng cao sư hiểu biết và tư tưởng tha nhân đối với vạn vật, thiên nhiên, và ngay cả vũ trụ. Tôi, cũng như tất cả dân Việt, nói riêng, và nhân loại, nói chung, đang được cái may mắn thụ hưởng tinh hoa đó. Bởi vậy, tôi khó có lòng nào mà không cảm thấy an lòng cho đất nước Việt Nam trước tai họa sắp đến từ TC, dù tôi là một người thuộc gốc dân tộc nào. Sự tiến bộ luôn thúc đẩy con người có sự mở rộng vể mọi mặt, dù ít hay nhiều, và dĩ nhiên, những gì thuộc về lổi thời xa xưa, cần nên được thay đổi, vì chính chúng là bước cản tạo nên sự trì trệ và thậm chí làm sai lạc hướng đi tốt đẹp.
Thời phong kiến hiếu chiến đã qua, quyền bá đạo như một thiên tử cũng không thể tồn tại, ngay cả sự xâm chiếm nước khác dưới bất kỳ hình thức gì cũng không thể chấp nhận được trước thế giới đổi mới như hôm nay. Nhưng TC thì khác, họ cảm thấy rất “thú vị” quay trở lại những thời gian ngàn năm đó! Đôi khi, tôi tự hỏi, không lẽ những thành phần trí thức người Tàu cũng cùng quan điểm như chính phủ của họ sao? Nhưng sự thật được diện dẫn qua tài liệu gần đây, làm tôi vô cùng kinh ngạc! Ngoại trừ một số nhà dân chủ tiến bộ, cùng một nhóm trí thức am hiểu thời đại, và đám sinh viên trẻ trung trực đầy nhiệt quyết, luôn hoài bảo ước vọng tự do, công bằng và dân chủ cho chính dân tộc họ và thế giới. Đại đa số, dường như luôn đồng tình với những chính sách “bạo quyền” của TC, ngay cả những nhà khoa học hay nghiên cứu gia đang làm việc nước ngoài. Họ sẵn sàng dùng danh hiệu đang có làm thay đổi hay bóp méo sự thật chỉ vì cái …”tinh thần Hán tộc” được tô vẽ sáng lòa làm đui mù lương tâm chân chính trong nghề nghiệp, trước dư luận “cả tin” của đại đa số người Tàu trong và ngoài nước.
Những thông tin được trao đổi qua kỹ thuật hiện đại hôm nay, giúp con người “trưởng thành” nhanh chóng. Họ tự hấp thụ và khai mở tư tưởng, dù đang ở một vùng xa cách thành phố trong phạm vi quốc gia hay một đất nước chậm tiến hơn nào đó trên thế giới. Tất cả chúng ta được những làn sóng văn minh đưa đẩy theo, dù muốn hay không, dù sớm hay muộn, ý thức về sự sống biết tôn trọng lẫn nhau trong thế giới nhân loại hòa nhập cùng thiên nhiên, được nâng cao hơn. Những tư tưởng hủ bại, bảo thủ, cố gắng bơi ngược dòng tiến hóa, chắc chắn sẽ bị loại bỏ dọc hai bên bờ, như những mảng bọt vàng cặn bã. Và chính tôi, cũng đang nương mình theo dòng ý thức đó, nên tôi không thể chấp nhận những hành động của TC cố tình làm xoay ngược, ngăn cản, và bẩn đục dòng tiến hóa đối với thế giới và Việt Nam nói riêng. Tôi ,dù người mang dân tộc tính hay nguồn gốc nào, không thể không nói lên ước nguyện chung của nhân loại hôm nay, là sự “hòa đồng”, “tương trợ”, và “phát triển” trong tinh thần “dân chủ”, “tự do”, và “công bằng” dựa trên những lý lẽ thích ứng cho xã hội theo thời đại mới.
Tất cả chúng ta, dù mang trong người nguồn gốc dân tộc nào, vẫn có thể ngồi lại gần nhau, trao đổi ý thức mới để cùng nhau tồi tại: là một sức mạnh có khả năng đánh đổ bạo lực đàn áp. Hơn 4.000 năm qua, công cuộc nổi dậy thành công của Hai Bà trước sức mạnh thống trị lâu dài, chôn sâu những bức tường thành vững chắc của giặc, là nhờ sự kết hợp đồng nhất của nhiều dân tộc khác nhau cùng chung hoạn nạn. Ý thức đó đưọc khơi dậy, và hiện thực hành động đưa đến kết quả vô tưởng hơn những giấc mơ mà người ta có thể nghĩ đến. Vì thế, dù tôi là người gốc Tàu, tôi vẫn không nghĩ tôi luôn cần cái “tinh thần Hán tộc”  như TC đang cố gắng “lợi dụng” và “tuyên truyền” khắp thế giới trong cộng đồng người Tàu qua nhiều hình thức khác nhau, với chủ đích “bá quyền” nhân loại. Điều đó chứng minh rằng, TC đang bơi ngược dòng tiến hóa.
Lê Hành Khất

Leave a Reply