Trầm Ngư Tây Tử *
Tiếng ai nức nở khóc Phù Sai !
Lúc đó hồn vua dạo núi đoài.
Đêm trước nằm ngơi coi Lục Viện,
Sáng nay tỉnh dậy mất Tô Đài.
Thân mang nợ nước dày ngang núi,
Lòng vướng sợi tình nặng trĩu vai.
Cành ngọc héo sầu thu rụng lá,
Trời già ganh sắc, sắc ghen tài.
Đông Thiên Triết
San Jose, July 23/2023
* – Tây Tử là tên hiệu của Tây Thi
** – Trầm ngư là sắc đẹp Tây Thi
Lời bàn (vắn tắt)
Đứng về vị trí “bên thua cuộc”, tức nước Ngô, thì đánh giá Tây Thi là “hồng nhan họa thủy”, một gái lăng loàn, trắc nết, chỉ biết mê hoặc đàn ông háo sắc. Là một phụ nữ ác độc, nguy hiểm đáng khinh.
Còn về “bên thắng cuộc” tức bên phía Việt Quốc, Câu Tiễn, thì ca tụng Tây Thi là bậc quần thoa lỗi lạc, tài đức vẹn toàn, vị quốc yêu dân, dám đem sinh mạng tài sắc của chính minh vào tận hang hùm miệng sói với mục đích cao cả là cứu nước cứu dân, nàng đã mang đến kết quả là nhà Ngô bị diệt vong. Tây Tử quả là bậc anh thư liệt nữ có một không hai.
Về phía Trung Dung thì họ phê bình và đánh giá Câu Tiễn là kẻ bất tài, coi như những trận chiến thắng quân Ngô đều nhờ có quân sư Phạm Lãi, như trận đánh sau cùng ở Hội Kê là nhờ nghe theo Phạm Lãi áp dụng kế Mỹ Nhân, chớ thực ra, cá nhân Câu Tiễn chẳng có một quốc sách, một chiến lược nào hay ho cả, và thì Mỹ Nhân Kế đó là do Phạm Lãi đề xuất, theo như các nhà binh gia, chiến lược gia thì kế sách này chỉ bất đắc dĩ mới áp dụng vì nó là một hạ sách, duy chỉ phàm những kẻ bất tài, vô dụng, chiến đấu thẳng thừng với nhau như một chọi một thì không thắng đối phương, cho nên phải mượn thế lực thứ hai, tức là sắc đẹp mỹ nhân, áp dụng sắc đẹp của phái yếu làm vũ khí để mưu đồ chính trị là chuyện rất ư là xấu xa, hèn hạ.
Riêng về mỹ nhân Tây Thi thì sau khi hoàn thành “sứ mệnh”, lúc đó nàng chứng kiến cảnh Phù Sai bị giết chết dưới lưỡi gươm của loạn quân thì nàng khóc than thảm thiết, khóc một cách chân tình và đến lúc này thì Tây Thi chợt lóe lên trong tư tưởng ở tận đáy lòng là nàng đã cảm giác được nàng đã thật sự yêu Phù Sai một cách chân tình, nhưng khốn thay! chính mình đã tự tay đinh đóng nấp quan tài cho Phù Sa mà mình không hề hay biết.
Do đó, trong thâm tâm nàng cảm thấy rất ân hận về việc làm của nàng khiến Phù Sai, một quân vương mà nàng yêu kính nhất phải vong mạng và xã tắc nước Ngô đã bị diệt vong dưới tay của mình, cho nên nàng luôn tự nhũ rằng người mà nàng kính yêu nhất và tôn sùng nhất vẫn chỉ có Phù Sai, vì trong thời gian chung sống bên cạnh Phù Sai, nàng đã cảm nhận được Phù Sai thực sự yêu nàng một cách chân tình.
Còn Câu Tiễn sau khi chiến thắng, thu phục giang san thì Câu Tiễn đã trở thành kẻ kiêu binh do say men chiến thắng, thái độ thường tỏ ra hóng hách như điên cuồng, muốn truất phế chánh hậu và lập Tây Thi lên thay thế, hành động này được Tây Thi đánh giá là vị vua thất đức vô tài, háo sắc, thua xa Phù Sai một trời một vực, vì hoàng hậu là kẻ đầu ấp tay gối, đã cùng chia xẻ ngọt bùi đắng cay sống thác trong những lúc cơ hàn hoạn nạn, mãi cho đến lúc chiến thắng quân Ngô, thì Câu Tiễn đành lòng ruồng rẫy phụ tình người vợ đã từng xẻ chia sống chết trong những chuỗi ngày hoạn nạn, thì thật là một vì vua đáng khinh, đáng ghê tởm, do đó Tây Thi từ chối nhận ngôi Hậu của Câu Tiễn ban cho, nàng thoái thác một cách khéo léo và rốt cục nàng chọn biện pháp cuối cùng là Tự Kết Liễu đời mình bằng cách nhảy xuống vực thẳm (có sách chép rằng nàng tự vẫn trên dòng sông Việt quốc, cũng có sách ghi do câu Tiễn phu nhân hãm hại nàng) đến nay vẫn chưa có giải đáp nào được cho là chính xác.
Trong Đông Chu liệt quốc cũng dựa theo thuyết Tây Thi bị đẩy xuống nước ngộp chết, mà không phải cùng Phạm Lãi sống ngao du ở Tây Hồ.
Lại cũng có sách chép rằng: Sau khi giết được Phù Sai, Câu Tiễn cùng Tây Thi về nước, Câu Tiễn phu nhân thấy vậy thì ghen, bèn sai người buộc đá vào người Tây Thi rồi thả nàng xuống sông, và thốt lên lời:
“Đó là vật vong quốc, để nó sống làm gì”!
Thế nhưng, người đời sau không rõ nguyên do, lại ngoa truyền là Phạm Lãi đem Tây Thi đi Ngũ Hồ để cùng chung sống. Bởi vì sợ để Tây Thi ở lại với Câu Tiễn thì sẽ có ngày “nghiêng nước đổ thành, Việt quốc cũng sẽ bị diệt vong y như Phù Sai vậy”
Xét ra thì Phạm Lãi ra đi chỉ có một mình luôn cả vợ con cũng bỏ lại, huống hồ là mang Tây Thi cùng đi, có người nói rằng Phạm Lãi mê Tây Thi nên mới lập ra kế đem Tây Thi đẩy xuống sông, đó chẳng qua là cách đoán mò, cho nên La Ôn đã có bài thơ minh oan cho Tây Thi Rằng:
Nước nhà còn mất bởi cơ trời,
Sao cứ Tây Thi đổ lỗi hoài?
Tây Tử nếu làm Ngô mất nước,
Thi xưa Việt mất bởi tay ai?
Đông Thiên Triết