Thơ Lục Bát

Trường Can Hành 1 & 2

Dịch nôm theo thể thơ Lục Bát
HÀNH KHÚC TRƯỜNG CAN (Hồi 1)

Tóc trên trán Thiếp vừa dài,
Hái hoa trước cửa, ngày ngày đùa chơi.
Ngựa tre Chàng cưỡi đến nơi,
Quanh sàng nghịch ném tơi bời quả mơ.
Truờng Can cùng ngụ bấy giờ,
Hồn nhiên hai đứa ngây thơ biết gì.
Lúc Thiếp mười bốn vu qui,
Thẹn thùng má đỏ thường khi rượi buồn.
Quay đầu vào vách, đêm buông,
Nghìn câu Chàng gọi thiếp luôn im lời.
Mười lăm nhan sắc tuyệt vời,
Đường trần thề nguyện trọn đời thủy chung.
Thương Chàng nghĩ ngợi mông lung,
Cần chi lên gác tựa lưng đợi chồng.
Năm mười sáu, Chàng ruổi rong,
Cù Đường, Diễm Dự đồi sông ảm sầu. (*)
Tháng ngày xa cách rầu rầu,
Trời buồn, vượn hú một mầu thê lương.
Chân Chàng in dấu trước vườn,
Rêu xanh còn mọc quanh tường, mái tranh.
Làm sao quét sạch rêu xanh,
Thu về lá rụng trơ cành, ban mai.
Tháng Tám bươm bướm vãng lai,
Đủ đôi đủ cặp lượn bay Tây vườn.
Khiến lòng sầu nhớ vấn vương,
Má hồng phai nhạt canh trường xót thương.
Tam Ba, sớm tối băng đường,
Được tin nhạn báo Chàng đương trở về.
Đón nhau nào quãng sơn khê,
Trường Phong Sa đó, phu thê tương phùng.

Đông Thiên Triết (dịch)

(*) địa danh ở tỉnh Tứ Xuyên: Cù Đường, Diễm Dự
(Bài Trường Can Hành hồi 2 sẽ đăng tiếp kỳ tới)
(Dịch nôm theo thể Lục Bát)
HÀNH KHÚC TRƯỜNG CAN (Hồi 2)
Phòng khuê nhốt bóng chờ ai,
Màng chi khói bụi đêm ngày thổi sang.
Lấy chồng người xứ Trường Can,
Trông xa bãi cát mây ngàn vút lay.
Tháng Năm ngọn gió nam xoay,
Ba Lăng Chàng đến, Thiếp hoài nhớ mong.
Gió Tây tháng Tám vàng đồng,
Chàng từ Dương Tử qua sông trở về.
Lòng hằng ôm nỗi tái tê,
Tao phùng thì ít, tràn trề biệt ly.
Tương Đàm năm tháng chàng đi,
Trong mơ Thiếp thấy vượt kỳ phong ba.
Cuồng phong vừa mới đêm qua,
Bên sông cây ngã đổ sa xuống bờ.
Đêm ngày gió thổi mịt mờ,
Ngổn ngang tâm sự, biết giờ Chàng đâu?.
Ước níu chòm mây trên đầu,
Bến Lan hẹn gặp bên cầu hướng Đông.
Uyên ương xanh cỏ bồ đồng,
Bình phong phỉ thúy gấm hồng kết đôi.
Mười lăm tuổi ngọc yêu đời,
Đóa hoa đào thắm tuyệt vời dung nhan.
Thiếp nay làm vợ thương lang,
Sầu dâng ngập nước, bẽ bàng gió reo.
Đông Thiên Triết (dịch theo thể thơ Lục Bát)
Chú thích: trong bài thơ này có nhiều địa danh như: Trường Can, Ba Lăng, Dương Tử, Tương Đàm, Bến Lan, đều là địa danh tỉnh Tứ Xuyên T.Q
Phiên Bản Trường Can Hành (bài 1)
Phiên Bản Trường Can Hành (bài 2)

Leave a Reply