B-52 Mỹ lần đầu phóng thành công tên lửa siêu vượt âm
Máy bay B-52 Mỹ lần đầu phóng thành công tên lửa siêu vượt âm AGM-183, loại vũ khí từng nhiều lần gặp sự cố trong những thử nghiệm trước đây.
Cuộc thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm AGM-183A diễn ra cuối tuần trước trên vùng trời ngoài khơi bang California của Mỹ, nhưng thông tin chỉ được công bố hôm nay. “Sau khi tách khỏi máy bay B-52, tầng đẩy sơ tốc của quả đạn kích hoạt và vận hành trong thời gian dự kiến, giúp tên lửa đạn tốc độ nhanh gấp 5 lần âm thanh”, thông cáo của không quân Mỹ có đoạn.
Đây là lần đầu tiên tên lửa AGM-183A được không quân Mỹ phóng thành công từ oanh tạc cơ B-52, sau nhiều lần gặp sự cố trong quá trình thử nghiệm.
Đợt thử đầu tiên vào tháng 4/2021 gặp trục trặc khi quả đạn mô hình không tách khỏi oanh tạc cơ B-52. Trong cuộc thử nghiệm thứ hai hồi tháng 7/2021, quả AGM-183A tách khỏi máy bay và thể hiện đầy đủ quá trình khởi động, nhưng động cơ tên lửa không kích hoạt.
Trong vụ thử tháng 12/2021, quả đạn tiếp tục gặp trục trặc, khiến tổ bay oanh tạc cơ B-52 phải hủy lệnh khai hỏa. Quả tên lửa được đưa về nhà máy để phân tích tham số bay và dữ liệu nhằm tìm ra nguyên nhân sự cố.Sau thử nghiệm thành công mới nhất, không quân Mỹ dự kiến thực hiện thêm nhiều đợt phóng khác để chứng minh năng lực tác chiến của tên lửa AGM-183A trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt.
AGM-183, còn gọi là Vũ khí Phản ứng nhanh Phóng từ Máy bay (ARRW), là một trong những chương trình tên lửa siêu vượt âm đang được không quân Mỹ tiến hành, bên cạnh các dự án vũ khí siêu vượt âm của các quân chủng khác, nhằm thu hẹp khoảng cách trong lĩnh vực này với các đối thủ như Nga và Trung Quốc.
Quả đạn AGM-183 được thả rơi tự do từ máy bay như bom thông thường, sau đó kích hoạt động cơ tên lửa để giúp đầu đạn đạt tốc độ và độ cao phù hợp. Vỏ bảo vệ sau đó sẽ bung ra và đầu đạn lướt tới mục tiêu với tốc độ trên 6.000 km/h. Mỗi oanh tạc cơ B-52 có thể mang tối đa 4 quả AGM-183.
Không quân Mỹ cho biết AGM-183 do tập đoàn Lockheed Martin chế tạo, chuyên diệt “các mục tiêu có giá trị cao”. AGM-183 được đánh giá cho phép lực lượng Mỹ nhanh chóng tấn công các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt trên mặt đất.
Ngoài AGM-183, không quân Mỹ đang thử nghiệm Tên lửa Hành trình Tấn công Siêu vượt âm (HACM), đồng thời phối hợp với Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) phát triển Vũ khí siêu vượt âm sử dụng động cơ hút khí tự nhiên (HAWC).
Các quân chủng khác của Mỹ đang phát triển vũ khí siêu vượt âm với năng lực khác nhau để phục vụ yêu cầu của họ. Hải quân Mỹ đang phát triển hệ thống Tấn công Chớp nhoáng Thông thường, dùng chung phương tiện lướt siêu vượt âm với Vũ khí Siêu vượt âm Tầm xa (LRHW) của lục quân.