Tạp Ghi

Chiều Thu Dạo Suối Tô Châu

Thân ái chào các bạn,
Dạo này vì lười sáng tác Thơ, nghĩ cũng đã lâu, nhưng ngại ngòi bút bị tịt, nhưng hôm nay cảm thấy sảng khoái vì bầu trời chớm vào Thu, với lại đọc thấy chủ đề trên Mạng có một bài viết về Gái Đẹp Tô Châu, và hình ảnh các nàng kiều nữ Tô Châu trông thật là diễm lệ, khiến hứng bút, nên tại hạ làm bài thơ dưới đây, xin chia sẻ cùng các bạn yêu thơ và cũng luôn thể trích bài Tùy Bút về Tô Châu của tác giả Tiến Đạt gởi đến quý bạn nhàn lãm. Chúc tất cả một cuối tuần an vui, hạnh phúc.
Chiều Thu Dạo Suối Tô Châu
Mộng tưởng chiều Thu dạo suối Tô,
Trông dường sắc thái, cảnh hư vô.
Tình Xuyên sông Hán, mây trên nước, (*)
Phương Thảo trời Nam, nhạn dưới hồ. (*)
Ngưng cánh chim bằng tung vạn tuế,
Nhặt cành hoa thắm tặng tiên cô.
Gởi bao tâm sự ngàn lưu luyến,
Trong giấc mơ nồng, ôm gái Tô.
ĐôngThiênTriết. 9/2011
(*) Trích 4 chữ: “Tình Xuyên, Phương Thảo” trong bài thơ Hoàng Hạc Lâu của thi hào Thôi Hiệu:
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Dưới đây, xin trích bài viết Tùy Bút của tác giả Tiến Đạt:
Người Trung Quốc có câu truyền miệng là mong ước rằng: Sinh, Lão, Bệnh, Tử, của đời người thì phải như vầy:  
SINH thì ước được sinh ra ở tỉnh Tô Châu (vùng đất sản sinh ra nhiều gái đẹp).
SỐNG thì sống ở tỉnh Hàng Châu (nơi đó có phong cảnh đẹp),
ĂN uống thì ở tỉnh Quảng Châu (có ẩm thực ngon, lạ miệng), và khi
CHẾT thì được chết ở tỉnh Liễu Châu (nơi có nhiều loại gỗ tốt để làm… quan tài).
Đàn ông trai tráng Trung Quốc nói riêng và nói chung cũng có nhiều người ngoại quốc “mê” tìm vợ ở tỉnh Tô Châu là chuyện tất yếu.
Hiện nay, chính quyền Tô Châu hạn chế tối đa việc xây dựng các công trình lớn trong nội thị, tạo sự khác biệt so với những thành phố sầm uất khác như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Trùng Khánh… nên Tô Châu ngày nay vẫn giữ được nét cổ kính độc đáo, nhịp sống yên ả và thi vị, thích hợp đối với những tâm hồn hoài cổ với các chùa chiền, vườn nhà cổ, kênh rạch, liễu rủ, cây ngô đồng trồng khắp phố bốn mùa thay lá, đặc biệt vào mùa thu màu lá vàng rực huyền ảo lạ thường. 
Chúng tôi đến Tô Châu trong những ngày chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong cái lạnh 50C, tôi khoác áo ấm bước xuống phố, len vào đám đông đang xuôi ngược. Mùa đông, thời điểm bùng nổ bức tranh đa sắc các loại trang phục áo ấm, áo khoác, khăn choàng cổ, mũ len, giày cổ cao, găng tay… của những người đẹp Tô Châu nổi tiếng làn da trắng mịn, thân hình thon thả và nhiều cô sở hữu đôi chân dài kiêu hãnh và cuốn hút.
Nổi bật nhất phải kể đến các thiếu nữ thế hệ 8x ăn mặc trẻ trung,  đúng mốt, khoác tay người yêu, bạn bè đi lại trên đường phố. Họ cùng nhau đi mua sắm, ăn uống, tham quan, cười nói tíu tít, “ăn sóng nói gió”, toát lên vẻ lạc quan… Khi băng qua cầu nối dòng kênh đào với hai con đường lớn, tôi bắt gặp đôi mắt buồn u uẩn của cô gái trẻ đẹp đang đứng một mình bên gốc liễu xanh rủ xuống dòng kênh. Hình như tôi đã gặp cô gái này ở đâu đó thì phải, đôi mắt kỳ ảo ấy không thể làm người đối diện nhanh quên được. Cô gái cũng nhìn thấy tôi, một thoáng nhíu mày nhẹ rồi quay đi tiếp tục nhìn xuống dòng kênh xanh.
Tại sao mùa đông giá lạnh, cô gái trẻ lại đứng một mình bên dòng kênh tựa bức tranh thủy mạc liêu trai đến thế? Trong thời gian lưu lại Tô Châu, tôi cố lục tung trí nhớ truy tìm “gốc gác” cô gái Trung Hoa nhưng cuối cùng đành chấp nhận ý nghĩ đó là một người hoàn toàn xa lạ. Cho đến khi vừa đặt chân trở lại Sài Gòn, tôi mới nhớ cô gái đó đã ngồi hàng ghế phía sau chúng tôi, cạnh cửa sổ trên chuyến bay từ TP.HCM – Thượng Hải, sau đó  đoàn chúng tôi xuôi về Tô Châu, chắc chắn cô gái cũng song hành cùng cung đường, và có thể đó là một trong những người đẹp Tô Châu xa xứ lâu ngày trở lại cố hương chăng? 
Khi “luận” về gái đẹp Tô Châu, anh chàng Dương Tử Huy (công tác tại  một công ty du lịch lớn tại Thượng Hải) nói vui rằng du khách khắp nơi tìm về Tô Châu chỉ để nhìn ngắm các người đẹp như danh truyền thì có thể có một chút tiếc nuối vì hiện nay gái đẹp vùng này chia thành bốn cấp bậc. Bậc “nhất” đã theo chồng định cư tại các quốc gia phồn thịnh như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu… Bậc “hai” theo chồng đến với Hồng Kông, Đài Loan, Macau… Bậc “ba” cũng đã nhanh chân yên bề gia thất tại các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu… và bậc “tư” còn lưu lại quê hương?!
Thật ra, điều anh chàng Dương Tử Huy nói nếu hoàn toàn đúng cũng là chuyện thường tình, vì không chỉ gái đẹp miền Tô Châu mà tất cả người đẹp thế gian từ cổ chí kim đều có nhu cầu chính đáng cần bến đỗ bình an.
Khi chúng tôi đi thuyền trên kênh Tô Châu, anh chàng hướng dẫn viên trổ tài thuyết minh vẻ đẹp khung cảnh thiên nhiên, trong đó có nhắc đến những chuyến du hành của vua Càn Long, nhưng tuyệt nhiên không đá động  đến hình ảnh bốn mươi trinh nữ dùng sức kéo cho thuyền vua chạy. (Tương truyền, một trong những thú tiêu khiển nặng tính phong kiến của vua Càn Long là thú vui đi thuyền ngắm mây nước tang bồng, trong đó, suốt đoạn kênh băng qua Tô Châu, thuyền chạy bằng sức kéo của bốn mươi trinh nữ mười tám tuổi xinh đẹp chia thành hai nhóm đứng hai bên bờ dùng lụa kéo thuyền. Không ít những cô gái xinh đẹp đã kiệt sức và chết vì lao lực…). Có thể anh hướng dẫn viên không muốn du khách “ngậm ngùi” vì thú vui lạ thường của bậc vua chúa ngày xưa, hoặc anh ta thiếu kiến thức. Tôi không tin người Trung Quốc, đặc biệt đội ngũ hướng dẫn viên không thuộc lịch sử nước họ!

Leave a Reply