Điểm Báo Việt Ngữ,  Khoa Học-Công Nghệ

Trung Quốc hoàn thiện khả năng “hô phong hoán vũ” vào năm 2025

https://www.phunuonline.com.vn/trung-quoc-hoan-thien-kha-nang-ho-phong-hoan-vu-vao-nam-2025-a1423175.html
PNO – Trung Quốc vừa tiết lộ kế hoạch mở rộng một chương trình sửa đổi thời tiết thực nghiệm bao phủ diện tích hơn 5,5 triệu km vuông – hơn 1,5 lần diện tích Ấn Độ.
Theo tuyên bố từ Quốc vụ viện, Trung Quốc sẽ hoàn thiện “hệ thống điều chỉnh thời tiết phát triển” vào năm 2025, nhờ những đột phá trong nghiên cứu cơ bản và công nghệ quan trọng.
Trong vòng 5 năm, tổng diện tích bao phủ bởi mưa hoặc tuyết nhân tạo sẽ đạt 5,5 triệu km vuông, trong khi hơn 580.000km vuông sẽ được bao phủ bởi các công nghệ ngăn chặn mưa đá. Tuyên bố nói thêm rằng chương trình sẽ giúp cứu trợ thiên tai, sản xuất nông nghiệp, ứng phó khẩn cấp với cháy rừng và đồng cỏ, đối phó với nhiệt độ cao bất thường hoặc hạn hán.
Từ lâu, Trung Quốc đã tìm cách kiểm soát thời tiết để bảo vệ các khu vực canh tác và đảm bảo bầu trời quang đãng cho các sự kiện quan trọng – chẳng hạn như việc “gieo mây” trước Thế vận hội Bắc Kinh 2008 để giảm khói bụi và tránh mưa.
Kỹ thuật “gieo mây” đã tồn tại trong nhiều thập niên. Nó hoạt động bằng cách bơm một lượng nhỏ bạc iotua (AgI) vào các đám mây có nhiều hơi ẩm, khiến hơi nước ngưng tụ xung quanh các hạt mới, trở nên nặng hơn và cuối cùng rơi xuống dưới dạng kết tủa.
Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào công nghệ này. Từ năm 2012 đến 2017, nước này đã chi hơn 1,34 tỷ USD cho các chương trình điều chỉnh thời tiết khác nhau. Trong khi các quốc gia khác cũng đầu tư vào công nghệ “gieo mây”, bao gồm cả Mỹ, thì sự nhiệt tình của Trung Quốc đối với công nghệ này tạo ra một số báo động, đặc biệt là ở nước láng giềng Ấn Độ, nơi nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào gió mùa, vốn đã bị gián đoạn và trở nên khó dự đoán hơn vì hậu quả của biến đổi khí hậu.
Ấn Độ và Trung Quốc gần đây liên tục đối đầu nhau dọc theo biên giới chung – và đang có tranh chấp nóng bỏng – trên dãy Himalaya, với việc hai bên tham gia vào cuộc đụng độ đẫm máu nhất trong nhiều thập kỷ vào đầu năm nay.
Suốt nhiều năm, một số người ở Ấn Độ cho rằng việc điều chỉnh thời tiết có thể mang lại lợi thế cho Trung Quốc trong một cuộc xung đột, giúp hoạt động chuyển quân ở vùng núi khắc nghiệt dễ dàng hơn.
Một số tên lửa tạo mưa có thể dễ dàng vận chuyển bằng xe ô tô.

Một số chuyên gia đã suy đoán rằng thành công trong việc điều chỉnh thời tiết có thể khiến Trung Quốc áp dụng các dự án địa kỹ thuật đầy tham vọng hơn, đặc biệt khi nước này đang phải chịu những tác động của biến đổi khí hậu. Các giải pháp cấp tiến như gieo mây tạo mưa vào bầu khí quyển về mặt lý thuyết có thể giúp giảm nhiệt độ, nhưng cũng có thể gây ra những hậu quả lớn không lường trước được.
Mặc dù trọng tâm việc điều chỉnh thời tiết của Bắc Kinh dường như là áp dụng trong nước, các chuyên gia cảnh báo rằng có khả năng tác động lan ra ngoài biên giới của đất nước.
Trong một bài báo vào năm 2019, các nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Đài Loan nói rằng “việc thiếu sự điều phối thích hợp của hoạt động điều chỉnh thời tiết có thể dẫn đến cáo buộc ‘ăn cắp mưa’ giữa những khu vực lân cận”, cả ở Trung Quốc và các nước khác. Đồng thời, họ cũng chỉ ra rằng thiếu một “hệ thống kiểm tra và cân bằng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các dự án có thể gây tranh cãi”.
Theo Dhanasree Jayaram, chuyên gia về khí hậu tại Học viện Giáo dục Đại học Manipal ở Karnataka, Ấn Độ nhận xét: “Nếu không có quy định, nỗ lực kiểm soát thời tiết của một quốc gia có thể ảnh hưởng đến các quốc gia khác”.
Linh La (theo CNN)