Nhân ngày giỗ năm thứ 37 của Tổng Thống Ngô đình Diệm và bào đệ Ngô đình Nhu, thử điểm qua cuốn tự truyện chạy tội “Nghĩa biển tình sông” của Tôn thất Ðính.Hoài cảm của Trần khắc Kính
1. Cây muốn lặng, mà gió chẳng đừng
Cách nay khoảng ba chục năm, tôi có đọc tập hồi ký đăng từng kỳ trên nhật báo Công luận, tại Sài gòn. Ông chủ báo – kiêm Thượng nghị sỹ Tôn thất Ðính – đã kể lể con cà con kê về những ngày ấu thơ tại thành phố xứ hoa đào Ðà lạt, nghịch ngợm, ưa quậy, kết bè kết đảng tập làm Mã chiếm Sơn. Mơ tưởng trở lùi về quá khứ lãng mạn, của cái thời còn trèo me, trèo sấu, na ná như những truyện “Nhi đồng Cứu vong” Thằng Chương, Thằng Còm, của nhà văn Duyên Anh, vào trước thập niên 60 vậy. Cũng có nghe là trong những ngày tập tễnh mới bước chân vào đời, ông có hành nghề cảnh sát viên tại Thị Xã Ðà Lạt, trước khi đăng vào Việt binh đoàn, làm Văn phòng, với cấp bậc binh nhì! Báo của mình, muốn đăng truyện gì mà chả được? Mặc sức đánh bóng tô son, miễn là biết chi đẹp cho các tay viết mướn.
Tôn thất Ðính, 1963
Ðến bây giờ lại thấy xuất hiện một cuốn hồi ký nữa, mang tên “20 năm binh nghiệp”, cũng có vẻ là đã kể lại, phóng đại, phịa thêm, để nhờ ai đó viết, rồi mang in thành sách! Nếu ông Ðính không nhờ, mà đích thân viết, chắc là sẽ không có những chi tiết sai lầm, như là ông Trị, Tư lệnh Sư đoàn 22, trước năm 61, chỉ mới là Trung tá, không phải là Ðại tá; tại Sư đoàn 23 là Ðại tá Lê quang Trọng (không phải Quan) -trích trang 158. Cũng trong trang 77 có đề cập tới Ðại tá Ðinh văn Sơn, trong năm 57, thay ông Ðính làm Tư lệnh Sư đoàn 2 tại Quảng Ngãi. Trong Quân đội, ai cũng nghe tiếng Ðặng văn Sơn, chứ không phải Ðinh. Ông từng nổi tiếng liêm khiết, cuối năm 60 là chỉ huy trưởng trường Hạ sỹ quan Nha trang và hiện còn sống, định cư ở San José. Các thợ viết mướn, chắc chắn là trình độ hiểu biết về lịch sử Quân lực phải hạn hẹp hơn ông Ðính rất nhiều, nên không tránh khỏi những lỗi lầm “tam sao thất bản”, tỷ dụ như là truyện ông Nguyễn văn Sơn, Tỉnh trưởng Quảng Nam, bị hy sinh như dê tế thần, trong vụ án kinh tế bán gạo cho Cộng sản (trang 105). Ðó là Bùi quang Sơn (em ruột Văn Ngọc Bùi quang Nga), thời 56, làm Phó Tỉnh trưởng Quảng Ngãi, liên quan tới vụ bán gạo ra Bắc, chứ không phải là Nguyễn văn Sơn, Tỉnh trưởng Quảng Nam! Chưa hề nghe nhắc tới một Tỉnh trưởng Quảng Nam nào, mang tên Nguyễn văn Sơn cả! Trước đó, trong trang 44, ông nói là vào tháng 8/54, ông là phụ tá HQ cho Vanuxem, đóng tại Mỹ Côi (Núi Gôi), điều động các GM 31, 32 trong khuôn khổ cuộc hành quân Auvergne, tai Nam Ðịnh, Bùi Chu, Phát Diệm: tại sao lại còn có cuộc hành quân thực hiện sau khi HÐ Genève đã được ký kết nhỉ? Vì chiếu theo các điều khoản của Hiệp Ðịnh này, thì các phe lâm chiến bắt buộc phải ngưng chiến, im tiếng súng kể từ O giờ ngày 28.7.54 rồi. Không thể kể hết những sai lầm, sơ hở, trải dài suốt 455 trang của cuốn sách. Hơn nữa, đây không phải là một cuộc điểm sách.Mà người viết chỉ muốn nêu ra vài sự kiện nổi cộm (xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, đề cao quá lố, phét lác,…), vì đã từng có dịp được mục kích, trực tiếp tham gia, hoặc biết rõ. 2. Ðiệp viên hai mangGần hết thời hạn 300 ngày, chiếu theo Hiệp Ðịnh Genève 54, các đơn vị cuối cùng của Việt Minh đã lần lượt triệt thối khỏi bờ Nam sông Vệ, thuộc quận Mộ đức, tỉnh Quảng Ngãi, để xuống các tầu Ba Lan tại hải cảng Quy Nhơn, tập kết ra miền Bắc. Khoảng đầu hè năm Ất Mão (1955) – ngày đó tôi là Tham mưu trưởng Tiểu khu Quảng Ngãi có một bữa Thiếu Tá Tôn thất Xứng, chỉ huy trưởng Tiểu khu, chỉ thị cho tôi vào Bình Ðịnh, nhận lãnh một nghi can, tại bản doanh ông Ðính, mang về và sau đó có người chuyển tiếp ra ngoài Huế. Ðược biết anh này là cán bộ Cao Ðài ly khai, được gửi từ trong Nam ra hoạt động, tại miệt đất vừa đựơc tiếp thu, không ngờ bị phản phé, lộ sao đó, nên bị chặn bắt. Tôi lái xe vào sân Vận động Tam quan, gặp Trung Tá Tôn thất Ðính lần đầu tiên. Ông mặc áo sơ mi ngắn tay kaki vàng, nhưng lại kèm theo quần sau rằn ri của nhẩy dù! Tôi trình Sự vụ lệnh. Ông ngoáy bút máy phê luôn vào mặt trái: “Người mang giấy này phải được toàn quyền tự do di chuyển qua mọi trạm kiểm soát. Ký tên: Trung tá Tôn thất Ðính, Tư lệnh Quân dân chính Bắc Bình Ðịnh”.
Tôi có nghe đồn là – vào thời gian này, ông ngang tàng, hách xì xằng lắm, ưa dùng gậy chỉ huy đập thuộc cấp, giống như ông Vĩnh – mang hỗn danh là Vĩnh hèo vì thường hay dùng hèo, để quất binh sỹ! Mỗi khi ông xuống xe, lội bộ trên các đường phố Quy nhơn, vừa được tái chiếm trong mùa Xuân Ất Mão, là thể nào cũng có một đoàn cận vệ đi giật lùi ngay phía trước ông. Dăm sáu binh sỹ này được tuyển lựa. Cao, to, vận chiến phục rằn ri (áo đuôi khỉ) của lính dù, lăm lăm tiểu liên Thompson đã được tháo báng gỗ, mặt mày bặm trợn, sát khí đằng đằng. Chả khác chi cảnh tướng phường chèo, như nữ tướng Phàn lê Huê của ông Năm Soái, thời trước Genève 54 ở Cái Vồn (Cần thơ vậy!)
Trước khi tôi dẫn can phạm lên xe ra về, ông còn cẩn thận dặn dò thêm là khi đi ngang Sa huỳnh (nơi đặt bản doanh của Bộ Tư lệnh Hành quân Giải phóng Liên Khu V, nằm sát ranh giới hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Ðịnh), cần phải cảnh giác đề phòng, ngộ nhỡ Ðại tá Lê văn Kim mà biết được, sẽ cho người ra đánh tháo, cướp mất can phạm! Ngày đó ông Kim là Tư lệnh Hành quân Giải phóng Liên khu V (mà Việt Minh vẫn chiếm giữ cho tới khi có HÐ Genève).
Trong trang 55, thấy có kể là vào đầu năm Ất Mão (55), ông đã được Thủ tướng Diệm đặc cách thăng cấp Ðại tá thực thụ, để ông có đủ tư thế chỉ huy các đơn vị Quân lực Quốc gia Việt Nam, tại Liên khu V. Và Ðại tá Lê văn Kim, chỉ đặc trách về hành chánh, chính trị mà thôi, chứ không phải là Tư lệnh Hành quân. Tất cả những điều trên đây hoàn toàn sai. Vì lúc tôi gặp ông Ðính vài tháng sau đó, ông vẫn còn đeo lon trắng Trung Tá Thiết Giáp trên cầu vai, vì đã từng tốt nghiệp từ Học viện Thiết giáp Saumur của Pháp, đồng khóa cùng ông Lâm văn Phát. Tuy nhiên, trong suốt cuộc đòi binh nghiệp, cả hai chưa từng có dịp mang số vốn học chuyên môn ra xử dụng, nghĩa là chưa hề chỉ huy bất cứ một đơn vị Thiết giáp nào bao giờ cả! Ông Ðính chỉ mới là Trung tá, vào giữa năm 55. Không phải là Ðại tá! Saumur tiếng Tây còn có nghĩa là nước mắm! Khắm như nước mắm, vì dân Saumur đã tự sáng chế ra lối chào xòe năm đầu ngón tay, như bàn tay ếch (không kẹp sát lại theo đúng quân kỷ, quân phong), lập dị, cho khác bàn dân thiên hạ.
Cũng cho ông hay là đừng nhận vơ, nhận ẩu! Vì vào cuối năm Giáp Ngọ (54), Tiểu Ðoàn 51 chúng tôi, khi vào tới thị xã Quảng Ngãi, đã được lệnh giải tán để thành lập Trung Ðoàn 31 và Tiểu khu Quảng Ngãi. Phần đất này cũng thuộc Liên khu V, nhưng vào thời gian này, chúng tôi trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 2, mà không bao giờ bị đặt dưới quyền chỉ huy của ông cả! Cuối trang 49, ông Ðính có kể là trong bữa trình diện Tướng Hinh trước khi lên đường ra Nha Trang, đã có sự hiện diện của 2 Ðại tá Trần văn Ðôn và Trần đình Lan. Lan, Giám Ðốc Phòng 6 Bộ Tổng Tham Mưu, chưa bao giờ là Ðại tá. Chỉ là Trung tá, rồi theo Hinh, lưu vong sang bên Tây! (Anh này là con Bác sỹ Trần đình Quế ở Dalat. Khi mang Pháp tịch, tên được phiên âm na ná sang tiếng Tây, thành Henry Ceuille!) Nhưng chính Lan mới là cánh tay mặt của loạn tướng Nguyễn văn Hinh. Lan đã sáng lập ra cái gọi là Phong trào Giải phóng miền Nam, tức là Ðảng Con Ó (bất cứ Sỹ quan nào được kết nạp vào Ðảng này cũng đều đeo một con ó nhỏ ở ve áo, để dễ nhận diện lẫn nhau, là cùng thuộc thành phần tuyệt đối trung thành với Hinh, quyết tâm chống Thủ tướng Diệm).
Phòng 6 Tổng tham mưu có 3 Sở (32, 42 và 52). Khi Lan lưu vong thì Trung tá Lê văn Lung (bà con cùng Tướng Lê văn Tỵ), Chánh Sở 32 lên thay thế. 32 là SRO (Service de Renseignements Opérationnels), còn được ngụy hóa là Sở Liên lạc, đảm trách về Tình Báo. Bộ phận này xài phần lớn số quỹ đen 1 triệu bạc cấp phát hàng tháng cho Phòng 6. Phải hiểu ngày đó một cuốc taxi chỉ có 6 đồng bạc, mới thấy số tiền mật quỹ 1 triệu bạc hàng tháng là nhiều như thế nào! Kể từ đầu năm 56, Phòng 6 đổi tên là Nha Tổng Nghiên Huấn, trực thuộc Bộ Quốc phòng. Vì là Ủy viên Ðặc vụ của Quân ủy Lê Lợi, nên ở trên sắp xếp cho tôi về làm Phó Giám Ðốc Nha Tổng nghiên huấn cho Trung tá Lung, ngay từ đầu năm 56, do đó mà biết rõ cội nguồn của những sự kiện trên đây. Ông Kim là em rể ông Ðôn, cũng được tiếng là rất thân cận với Hinh. Vì vậy, ông Ðính muốn cho mọi người hiểu ngầm là hai ông Ðôn và Kim thuộc Ðảng Con Ó! Nhưng ai cũng rõ chính ông Ðính mới thực là thuộc Ðảng Con Ó. Ðúng là cảnh “Gái đĩ già mồm!” Chính ông cũng đã từng thú nhận trong trang 55 là Hinh, trước khi bắt buộc phải rời Saigon, lưu vong sang Pháp, đã cho một tùy viên thân tín mang một phong thư tới. Ông Ðính mở đọc: “Ðính thân, tôi hoàn toàn tin tưởng và trông cậy ở Ðính!” Có người thạo tin cho biết là lá thư trên đây chỉ mang vẻn vẹn vài chữ viết tay của Hinh: “À bientôt!” (có thể hiểu là: rồi đây sẽ còn gặp nhau, hoặc: ngày mai trời lại sáng! v.v…). Thế mà bây giờ ông đã xoay ngay được 180 độ, dám kháng chế, nghi ngờ ngay cả ông Kim. Không rõ ông đã tiếp xúc được với Ðại diện của ông Cậu để gia nhập Ðảng Cần Lao vào lúc nào? Nhưng chỉ ít tháng sau (vào dạo cuối năm 55), ông đã là đại biểu tham dự khoáng Ðại hội Nghị Quân Ủy Cần Lao, tổ chức tại Bộ Chỉ huy Phân khu Duyên hải Nha Trang.
3. Quân Ủy Lê Lợi được thành lập
Năm trước đây, trên Nhật báo Người Việt số 5036 ấn hành ngày 21 tháng 9 năm 99, tôi có đóng góp một phần nào hiểu biết vào cuốn sách “Huyền thoại và sự thực về chế độ Ngô đình Diệm” của tác giả Vĩnh Phúc (nhà xuất bản Văn Nghệ). Tôi có kể lại vụ tham dự Ðại hội Quân Ủy Ðảng Cần lao, vào cuối năm 55 tại Nha Trang. Lúc đó, tôi là Tiểu đoàn Trưởng TÐ 4 VN, kiêm Quận trưởng Quận Tam Quan. Có một bữa đầu tháng Chạp 55, tôi nhận được Công điện khẩn của Bộ Tư lệnh Quân khu 2 yêu cầu lên đường gấp, để về họp tại Nha Trang (không rõ là họp bàn vấn đề gì, nên không rõ phải chuẩn bị tài liệu mang theo ra sao?) Vào tới Quy Nhơn, thì gặp Thiếu Tá Nguyễn ngọc Khôi, vừa từ Huế vô, cho biết nội dung cuộc họp, là Hội Nghị Ðảng Cần lao, của toàn quân. Ông Khôi hướng dẫn tôi, Ðại úy Nguyễn hùng Khánh (một Tiểu đoàn Trưởng khác trú quân tại vùng ngoại ô Quy Nhơn) và Trung úy Dương Tiếu (Ty An ninh QÐ Quy Nhơn), lên đường xuôi Nam, ngay trong buổi chiều hôm đó. Tới Tuy hòa, thì gặp đoàn xe của Ðại tá Tôn thất Ðính, vừa hoàn tất công cuộc tiếp thu Bắc Bình Ðịnh và cũng vừa được thăng cấp Ðại tá. Ðược biết là vài tháng sau đó, ông Ðính được cử đi du học tại Trường Chỉ huy/ Tham mưu Forth Leavenword Hoa kỳ. Mãn khóa học 8 tháng, trở về nước chưa được bao lâu, thì ông Ðính lại được cử đi học Khóa Tham mưu Hỗn hợp trong 6 tháng nữa tại Okinawa! Hóa ra trong suốt cuộc đời binh nghiệp của ông toàn là đựợc ưu đãi để đi du học không hà. Thời còn Tây, thì Tactic (chiến thuật), rồi Saumur (Thiết Giáp). Ðến bây giờ, lại Chỉ huy và Tham mưu hỗn hợp! Nhưng học đã vậy, nhưng có hành được hay không, lại là truyện khác!
Ðoàn xe di chuyển suốt đêm mới tới Nha trang. Ðến nơi, chúng tôi được Trung úy Trần hữu Ðộ của Bộ Chỉ huy Phân khu Duyên hải hướng dẫn vào nghỉ tại một lớp học bỏ trống, cho ngủ trên các giường gấp nhà binh. Ngày đó Trung úy Ðộ và Thượng sỹ Ðạt rất được Trung tá Ðỗ Mậu tin cậy để giao phó cho vụ tổ chức Ðại hội Quân ủy này. Ngay đầu năm 56, Ðạt được Châu Tĩnh sắp xếp cho phụ trách Văn Phòng Thường trực của Ban 5 (tức là Thường trực Quân Uûy), có trụ sở ở số 72, đường Phạm đăng Hưng (xưa kia là đường Pierre trên Tân Ðịnh). Ðạt cùng gia đình được cho phép cư trú ở ngay căn phố lầu nói trên. Trong những ngày kế tiếp, các Phái đoàn từ khắp các Quân khu trên toàn Miền Nam lục tục kéo về. Còn nhớ từ Sài gòn ra, có Bác sỹ Bùi kiện Tín, các Trung Tá Nguyễn Khương, Vũ Hùng Phi; các Ðại úy Pham văn Sơn, Trần Cẩm. Trên Cao nguyên xuống, có Trung Tá Hoàng Lạc, Ðại úy Dương Thái Ðồng. Phái đoàn Miền Trung đông đảo nhất, vì ngoài chúng tôi ra, còn có thêm Trung tá Nguyễn văn Chuân, các Thiếu tá Lê văn Sâm, Phùng ngọc Trưng và những Ðại úy then chốt: Nguyễn văn Châu (tức Châu Tĩnh), Lê quang Tung, Ngô văn Hùng, Phạm thư Ðường. Cũng có thấy các Trung úy Nguyễn Bé, Nguyễn xuân Vinh, tham dự các phiên họp. Trung tá Ðỗ Mậu, Chỉ huy Trưởng Phân khu Duyên hải đăng cai hội nghị này đã cho trần thiết bàn thờ Ðảng rất uy nghi: có lư đồng, chân đèn, hương khói nghi ngút; có chân dung Ngô lãnh tụ; có Ðảng kỳ nửa xanh, nửa đỏ và 3 ngôi sao đỏ trên nền xanh; có thanh gươm treo ngang đảng kỳ tượng trưng cho kỷ luật của Ðảng…
Mấy bữa sau, có vụ bầu Ban Chấp hành Quân ủy tức là tổ chức Ðảng Cần Lao trong toàn quân, kể từ nay sẽ mang tên là Quân ủy Lê Lợi. Các Ðồng chí Minh Sơn (bí danh trong Ðảng của Thiếu Tướng Lê văn Nghiêm) được bầu vắng mặt là Bí thư Quân ủy Lê Lợi; đ/c Linh Giang (Tôn thất Xứng) cũng được bầu vắng mặt là Phó Bí thư. Các Ủy viên khác trong Ban Chấp hành (như là Thường trực, Tổ chức, Nghiên cứu, Thông tin, huấn luyện, kinh tài, đặc vụ,…) được Hội nghị bầu cho các đ/c Duy Tiến (Nguyễn văn Châu), Việt Tồn (Lê quang Tung), Trường Minh (Phạm thư Ðường), Ái Chủng (Nguyễn Khương), Ánh Dương (Trần Cẩm),… Riêng tôi được bầu vào cương vị Ủy viên Ðặc vụ (bí danh Văn An). Cũng còn nhớ các ông Ðỗ Mậu lấy bí danh trong Ðảng là Hoành Linh; Tôn thất Ðính là Vân Anh, v.v…
Trong ngày cuối cùng, Ông Ngô đình Nhu, Tổng bí Thư Ðảng có tới chủ tọa, chứng kiến lễ huyết thệ (trích máu ăn thề, nguyện trung thành với Ðảng) của toàn Hội nghị. Từng người một đã lần lượt tiến tới trước bàn thờ, cầm cây kim gút chích đầu ngón tay trỏ, nhễu một giọt máu vào trong ly rượu, đặt trước lư hương. Bác sỹ Tín cầm sẵn dúm bông gòn tẩm cồn, để chùi cây kim cho khỏi nhiễm trùng, trước khi trao tay, chuyển cho người kế tiếp.
4. Ðại phịa!
Thế mà tại cuối trang 74 của cuốn hồi ký “20 năm binh nghiệp”, ông Tôn thất Ðính kể nội dung cuộc họp trên đây lại khác hẳn. Phần in chữ nghiêng dưới đây là trích nguyên văn: ‘Tôi còn nhớ trước đây, trong thời gian còn đi tiếp thu Liên khu V, Ðại Tá Ðỗ Mậu lúc bấy giờ là Phân khu Trưởng PK Duyên Hải, có tổ chức một Ðại hội Quân Cán Chính ở Nha trang, có ông Ngô đình Nhu từ Sài gòn ra chủ tọa. Ðại hội này dường như của Ðảng Cần lao Nhân vị và tôi được mời tham dự với tư cách là Tư lệnh cuộc hành quân. Trong Ðại hội trước khi tôi giã từ ông Ngô đình Nhu để lên đường tiếp tục cuộc hành quân, thì ông Nhu đã đứng dậy khen ngợi và chúc mừng sớm hoàn thành nhiệm vụ, để thống nhất Quốc gia dưới một màu cờ Tự do như ý nguyện của toàn dân và chính phủ do Thủ tướng Ngô đình Diệm lãnh đạo”.
Cuộc hành quân tiếp thu – mang danh hiệu là HQ giải phóng Liên khu V do Ðại Tá Lê văn Kim làm Tư lệnh, không phải ông Ðính làm Tư lệnh (trên đây tôi đã từng kể là – dù bản chất thích huênh hoang nhưng vào đầu năm 55, ông chỉ dám xưng là Tư lệnh Quân dân chính Bắc Bình Ðịnh mà thôi). Cuộc Hành quân này đã chấm dứt trước ngày có cuộc Trưng cầu Dân ý truất phế Bảo Ðại, vào ngày 23 tháng 10 năm 55. Cuộc họp tại Nha trang là vào tháng Chạp 55. Lúc này ông đang lo cải tổ GM 32, thành Sư đoàn 2. Oâng Mậu khi đó vừa mới được thăng cấp Trung tá, chưa phải là Ðại tá. Ðại hội trên bao gồm những Sỹ quan, đến từ khắp các quân khu trong toàn quốc, không phải là chỉ có thành phần Quân Cán chính Nha Trang. Do đó, dựng lên vụ ông Ngô đình Nhu đứng dậy khen ngợi và chúc mừng ông sớm hoàn thành nhiệm vụ là đại phịa, đánh bóng tô son, đề cao cá nhân quá lố, muốn lấy thúng úp voi, vì cuộc hành quân tiếp thu đã hoàn tất từ lâu, cần gì phải sớm hoàn thành nhiệm vụ nào nữa? Oâng đi dự Ðại hội trên chỉ với cương vị là Ðảng viên Ðại biểu thường, như vài ba chục Ðại biểu khác. Trong Ðại hội mọi người vận thường phục, không đeo lon lá gì hết! Tôi còn nhớ như in ngày đó là ông vận bộ đồ lớn màu beige nâu nhạt.
Mùa Ðông tại Nha trang se se lạnh, nên ai nấy đều vận áo ấm. Cái hách dịch phường chèo cố hữu đã được ông cố tình bỏ quên ngoài phòng họp. Ông cố gắng luôn luôn cười mím chi, tở mở, nhũn như con chi chi, vì sự kiện “À bientôt!” liên quan tới ông vẫn còn quá nóng bỏng, mọi người chưa thể quên ngay được… Tuy rằng ông không được đề cử bầu vào Ban Chấp hành sau đó, nhưng ắt ông cũng đã từng trông thấy Ðảng kỳ và đã được huyết thệ. Ông cũng đã có dịp theo rõi cuộc bầu bán Ban Chấp hành của Quân Ủy Lê Lợi, tức là Ðảng Cần Lao trong Quân Ðội. Không lẽ Ðồng chí Vân Anh(!) quên tất cả rồi sao? Ðâu có phải là Ðại hội Quân Cán chính Nha Trang? Xin mách nước cho ông, là nếu vì trí nhớ quá kém cỏi ông nên tìm hỏi lại các ông Nguyễn ngọc Khôi, Dương thái Ðồng, Trần Cẩm, v.v… Họ từng tham dự Ðại hội trên đây và vẫn còn sinh sống tại vùng Cali này và chắc là sẽ không hẹp hòi gì mà không xác nhận lại những điều trên đây.
Trung úy Trần hữu Ðộ, ngày đó phụ trách Quân sự học đường cho Phân khu, tuy rằng không tham dự các phiên họp, nhưng đã giúp Trung tá Ðỗ Mậu tích cực về tổ chức, trang hoàng, khánh tiết, an ninh, cho Ðại hội Quân ủy, có lẽ cũng nắm khá vững các chi tiết trên đây. Oâng có thể xin tiếp xúc khi thuận tiện, để đối chiêáu, nếu cảm thấy vẫn còn lú lẫn… Có những Ðảng viên Ðại biểu đã từng phó hội, nhưng không nên hỏi, để khỏi phí công, vì họ cũng kém trí nhớ như ông vậy, tỷ dụ Ðỗ Mậu, Hoàng Lạc.
5. Ðại hội Quân Cán chính Nha Trang
Sau khi kết quả của cuộc Trưng cầu dân ý truất phế Bảo Ðại vào ngày 23.10.1955 được công bố, thì từ khắp mọi nơi trên toàn lãnh thổ Miền Nam đã dấy lên một phong trào rầm rộ, để bầy tỏ lòng trung thành tuyệt đối với chính quyền do Thủ Tướng Ngô đình Diệm lãnh đạo. Ngay từ cuối Thu năm Giáp Ngọ (55), Trung Tá Ðỗ Mậu chỉ huy trưởng Phân khu Duyên hải cũng đã nhạy bén, ứng xử cho thích ứng với thời cơ. Ông đã cho tạâp hợp các cấp Quân Cán chính tại địa phương, đến rạp chiếu bóng Tân Tân nằm ngay trung tâm thị xã Nha trang. Ðây không phải là một Ðại hội, vì không có chương trình nghị sự, thảo luận, phát biểu. Chỉ đơn thuần là một cuộc mít tinh mà diễn giả Trung tá Ðỗ Mậu chỉ huy trưởng phân khu sẽ đăng đàn diễn thuyết để ca ngợi chế độ. Ðề tài của cuộc nói truyện bữa đó là: “Thân thế và sự nghiệp của Ngô chí sỹ”. Bài phát biểu rất hay và xúc tích, vì tác giả đã khổ công nghiên cứu, tham khảo các nguồn tư liệu, chưa kể tới các kỷ niệm thuở thiếu thời, mối liên hệ khá mật thiết từ thời xa xưa. Sau buổi nói truyện, toàn bộ bài diễn văn trên đây được cơ quan ấn loát của Ty thông tin Tỉnh Khánh hòa mang in thành sách và phổ biến rộng rãi. Ðó là một tập san mỏng, ngoài bìa có hình Thủ Tướng Ngô đình Diệm vận âu phục, tay cầm cây viết ngồi trước bàn giấy. Buổi nói truyện trên đây đã có sự hiện diện đông đủ của các giới chức Quân Chính cao cấp và thân hào thân sỹ tại địa phương. Tỉnh trưởng Khánh hòa, cùng ông Tôn thất Ðính (vừa được mang cấp bậc Ðại tá sau khi hoàn tất cuộc hành quân tiếp thu Bắc Bình Ðịnh) thể nào mà chả có mặt. Ðại Tá Ðính lúc đó đang lo cải tuyển GM 32 thành Sư đoàn 2, song song với việc chuẩn bị các thủ tục xuất ngoại để sang Hoa kỳ khá lâu tòng học Trường Chỉ huy / Tham mưu Forth Leavenworth. Nhưng có điều quan trọng là Ông Ngô đình Nhu không chủ tọa Ðại hội Quân cán chính Nha trang trên đây. Ông Nhu chỉ ra Nha trang vài tháng sau đó, khoảng cuối năm 55, để dự lễ huyết thệ của Quân ủy Cần lao mà thôi. Khoáng Ðại hội nghị của Quân ủy Lê lợi cũng được tổ chức ở Nha trang, nhưng bao gồm đông đủ các Ðại biểu của tất cả các Quân khu, không phải là Quân cán chính Nha trang.
Vì lẽ ông Nhu không có mặt trong Ðại hội Quân Cán chính Nha trang, nên không thể có vụ ông Nhu đã đứng dậy khen ngợi và chúc mừng sớm hoàn thành nhiệm vụ để thống nhất quốc gia, như ông Ðính đã bốc láo ở cuối trang 74. Hơn nữa, các cuộc hành quân tiếp thu đã chấm dứt và bộ đội Việt Minh đã triệt thoái khỏi mọi phần đất của Liên khu V, thì cần gì phải mong sớm, hay chóng hoàn thành? Cuối cùng, đừng quên rằng ông Ngô đình Nhu là một mẫu người bản chất thâm trầm, kín đáo, nghiêm nghị, đôi chút kiêu căng, ít điều ít lời. Không thể có vụ ông đứng dậy khen ngợi và chúc mừng bất cứ ai, bao giờ cả đâu! Cũng như trước đây tôi đã từng kể là không thể có vụ ông Nhu thường vi hành về Trại Hùng Vương vào giữa năm 63, để socializing (hòa đồng, tâm sự, tán phét) với Liên Ðoàn 77, vì số quân nhân này đã từng nhẩy dù xuống Hạ Lào và ra ngoài Bắc đâu! Toàn là loại sản phẩm tưởng tượng, phịa, bố ẩu! Thông thường, khi tự nhiên được mọi người phịa ra để đề cao, đánh bóng tô son mình, được quan trọng hóa,… thì cứ “ngậm miệng mà ăn tiền”, im lặng để tọa hưởng kỳ thành. Nhưng người có lương tri, thức giả thì phải có can đảm để từ chối không nhận vơ những vinh dự đó, vì đó là đồ dỏm, bịa đặt, không phải đồ thật! Và viết sử là phải viết thật, chứ không phải là phịa! Giữa tháng Chạp 55, Khoáng Ðại hội Nghị Quân Ủy Lê Lợi của Ðảng Cần Lao bế mạc. Tất cả các Ðai biểu tham dự, khi rời Nha trang, đều được Trung tá Ðỗ Mậu ký tặng tập san: “Thân thế và sự nghiệp Ngô chí sỹ” nói trên. Cuốn của tôi có hàng chữ viết tay của ông Mậu ngay trang đầu: “Mến tặng Ðồng chí Văn An. Ký tên: Hoành Linh”. Tôi vẫn lưu giữ tập sách mỏng này trong tủ sách gia đình. Sau ngày sập tiệm, khoảng tháng 8/75 có đợt bài trừ Văn hóa phẩm phản động, đồi trụy. Gia đình đã gom góp tất cả sách báo chất trong tủ mang nạp, để thiêu hủy. Chỉ nghe kể lại, vì lúc đó tôi đang bị giam tại lầu 3 khu AH khám Chí Hòa, khởi đầu cho một con giáp cải tạo!
6. Cạn tầu ráo máng!
Khoảng đầu năm 60, Văn phòng Ban 5 (tức là Quân Ủy Cần lao) có nhận được một xấp báo cáo dầy, của Chính cục Hoàng hoa Thám (tức là Ðảng ủy Cần lao tại Quân khu 4 Ban mê thuột) đệ trình lên ông Tổng Bí thư Ngô đình Nhu. Ông Tướng Ðính vừa được đề cử thay thế ông Tướng Chín, làm Tư lệnh Quân khu. Vừa chân ướt, chân ráo đáo nhậm nhiệm sở mới, ông đã xử dụng ngay các cơ cấu điều tra, để hoàn thành cấp tốc một hồ sơ về các hành vi bê bối, hủ hóa của cặp vợ chồng Tướng cũ, vừa bị hạ bệ. Theo như báo cáo đã được các cơ quan chuyên môn thiết lập rất công phu, với đầy đủ nhân chứng, thì ông Chín đã sách nhiễu tình dục con vú em. Khi bà Chín mới sanh hạ được chừng dăm tháng, thì hàng đêm, con vú em bồng đứa nhỏ, dỗ cho ngủ ở căn phòng xép, cạnh phòng ngủ của vợ chồng ông. Một đêm về khuya, ông Chín mò sang phòng xép, cởi trần, chỉ vận độc có cái xì líp. Thấy ông vén mùng chui vào, đứa tớ gái sợ hãi ngồi dậy, lùi vào góc giường thủ thế. Ông vung hai bàn tay xuất chiêu, dương đông kích tây, đánh trên dẹp dưới, cố dứt điểm mục tiêu là chộp vào ngực nó. Nó cuống cuồng né tránh, co dúm tứ túc! Cuối cùng, nó tìm được giải pháp vô cùng hữu hiệu là dùng ngay đứa bé đang bồng trên tay, làm cái mộc để ngăn ngừa những đợt tấn công vũ bão của đối phương.
Thành thử ông Chín toàn chộp vào người đứa con sơ sinh của mình, chứ chưa bén mảng, tiếp cận, xơ múi gì tới mục tiêu tối hậu. Trận tấn công và trì hoãn chiến chấm dứt, khi đứa bé bị chộp vào người dăm bẩy phát đau quá, khóc thét lên! Ông Chín sợ bà xã đang ngủ tại phòng bên giật mình tỉnh dậy biết đựơc, nên đành tiếc nuối rút lui có trật tự. Còn bà Chín, thì -theo báo cáo tằng tịu với anh tài xế. Nó còn trẻ, cao lớn, mình dây có vẻ dẻo dai (ông Tướng vốn nhỏ con). Một đôi lần bà Chín lân la xuống khu nhà bồi, truyện trò cùng bọn gia nhân, đầy tớ giúp việc trong tư dinh của Tư lệnh. Có lần bà mang theo cuốn tiểu thuyết, ngả ngớn nằm trên giường anh tài xế đọc sách, rồi hớ hênh ngủ quên ở đó luôn! Và cái bẫy mà bà tướng đã giương lên cuối cùng phải sập, con mồi đố chạy đâu cho thoát! Lý do là tên tài xếù đang ở độ tuổi cường tráng, luôn luôn tò mò, thèm khát! Nó tặc lưỡi: “Mỡ đem dâng tận miệng mèo”, tội gì mà không hưởng? “Quen hơi bén mùi làm riết!” Thiếu cảnh giác, nên cuối cùng ông Tướng bắt được tại trận. Ông bèn cho thiết lập ngay một phiên tòa quân sự mặt trận kiểu bỏ túi, mà thành phần là các Trưởng phòng thân tín của Bộ Tham mưu của ông. Cũng có Chánh thẩm, Biện lý buộc tội, Trạng sư bào chữa. Cuối cùng đi tới quyết định là bắt tên tài xế nhận tội và ký cam kết cắt đứt ngay cảnh “đũa mốc chọc mâm son!” nói trên. Nội vụ được phát giác, khi có vụ bàn giao chức vụ Tư lệnh. “Có mới, nới cũ!” những Trưởng phòng cũ thấy cần phải lấy điểm với ông Tân, mà cho rơi luôn ông Cựu, nên đã tường trình lại mọi chi tiết của phiên tòa kể trên, khi được hỏi đến. Trong suốt cuốn hồi ký “20 năm binh nghiệp”, mỗi khi được đề cử vào một chức vụ mới nào là y như rằng ông Ðính không ngớt chê bai, nhục mạ người cũ, toàn là lũ bất tài vô tướng, làm hư bột hư đường, xôi hỏng bỏng không, để đến nỗi giờ đây tới thay thế, ông phải quá ư vất vả, hao tâm tổn trí, để sửa chữa những lỗi lầm cũ, trước khi áp đặt những phương án kỳ diệu mới của ông. Qua mấy chục trang (từ trang 132 “Một Quân khu không cần Bộ Tư lệnh” đến 171 “Ha ïtầng Cao nguyên…”), ông đã cố “vạch lá tìm sâu, bới bèo ra bọ”, để hạ ông Chín. Cho như thế là chưa đủ, nên song song với những phúc trình gửi theo hệ thống chính quyền, ông còn cố bới móc đời tư của người cũ, bằng những báo cáo gửi theo đường giây của Ðảng. Thiết tưởng người quân tử không nên nghĩ đến việc đánh thêm kẻ đã ngã ngựa! Nhưng không ít những kẻ thực dụng, đầu óc đầy mưu toan, tính toán, thì lại nghĩ là phải biết tận dụng thời cơ: Nó có ngã ngựa, thì mới đánh được nó chứ! Nếu nó còn ngồi trên mình ngựa, làm sao mà đánh được? Láng cháng, nó sẽ cho ngựa đá vỡ mặt! Báo cáo của Chính cục Hoàng hoa Thám (gửi theo đường giây Ðảng) trên đây, có tác dụng như một phát súng ân huệ, đánh cho chết hẳn, vì ông Tư lệnh mới cố dìm ông cũ xuống tận bùn đen, có ngóc đầu lên được cũng còn mệt!
7. Abandon de Poste?
Khoảng đầu tháng 11 năm 60, Quận Toumorong trên Kontum bị Việt Cộng đánh chiếm. Lần đầu tiên trên toàn miền Nam chúng đã bám trụ lại trong nhiều ngày. Năm trước đây, vào dịp giáp Tết, chúng cũng đã đánh chiếm được hậu cứ một Trung đoàn của ta ở Trảng sụp (Tây Ninh), tịch thu nhiều võ khí, nhưng đã rút lui ngay trong đêm. Aùp lực Ðịch ở trên Cao nguyên lúc này khá mạnh, nên các đồn Ðịa phương quân Polei Khok và Polei Kodin, nằm sát biên giới Việt Lào, ngay trên ranh giới hai tỉnh Pleiku và Kontum, cũng đã được triệt thối. Tình hình Ðịch tại vùng Ba Biên giới (trên) hết sức mù mờ, nên tôi đã lên Kontum để nghiên cứu việc thả dù vài Toán Hành quân của Liên Ðội Quan sát xuống, nhằm mục đích xác định lại các căn cứ của Ðịch, có lẽ vẫn còn tồn tại kể từ ngày có hiệp định Genève năm 54 chia đôi đất nước. Sau khi làm việc tại 2 Tỉnh Pleiku và Kontum chừng 1 tuần lễ, bữa sáng 11.11.60, tôi ra phi trường Catecka (thuộc Sở Trà Thanh an), dự định đáp máy bay Air Viet Nam để trở về Saigon, thì mới hay tin là phi cảng Tân sơn nhất đóng cửa, vì Saigon có đảo chính quân sự! Tôi trở về Bản doanh Bộ Tư lệnh Quân Ðoàn 2 / QK 2 nằm ngay ngoại ô phía Bắc Thị xã Pleiku. Thiếu Tướng Tôn thất Ðính không có mặt tại bản doanh, nên tôi đã vào tiếp xúc với Ðại tá Nguyễn hữu Có Tham mưu Trưởng, đề nghị xin phương tiện máy bay quân sự, để trở về Saigon. Ðêm 11.11.60, tôi nghỉ trong Văn phòng Tham mưu trưởng và cùng Ðại tá Có theo rõi diễn tiến của cuộc đảo chính tại Thủ đô cho mãi tận khuya. Hôm sau 12, rồi bữa sau nữa -sáng 13.11 tôi mới xin được moat L.19, nhưng không thể về thẳng Saigon, mà phải ghé qua Nha trang, rồi sau đó mới về Saigon bằng C.47. Trong 3 ngày 11, 12, 13, tôi bị kẹt lại trên Pleiku, thì ông Ðính cũng bị kẹt tại Saigon. Ông đi đâu? Làm gì? Không một ai hay. Rất may cho ông, là trong mấy ngày đó Phủ Tổng thống không nghĩ tới việc chỉ thị cho Quân đoàn 2 đem quân về cứu Thủ Ðô, vì đã có Ðại tá Trần thiện Khiêm từ quân khu 4 kéo quân về rồi. Nếu có lệnh đó, ắt khám phá ra vụ ông từ bỏ đơn vị không có phép trong thời chiến, tức là Abandon de Poste, tội trạng sẽ phải xét xử bởi tòa án binh mặt trận!
Ðến bây giờ, đọc 3 trang 197, 198 và 199, mới thấy ông giải thích lý do của sự vắng mặt kể trên. Ông tự đánh bóng tô son, kể lung tung, dông dài, vòng vo Tam quốc, đưa ra những giả tưởng và bịa đặt rẻ tiền. Người thường không hiểu gì về cơ cấu tổ chức Mật, thì đọc coi như là một sản phẩm của James Bond (ông thường hành quân trinh sát những ngày cuối tuần tại Saigon, Sỹ quan cận vệ cải trang lái taxi của Sở Ðặc nhiệm chở ông khắp Ðô thành, xe đò túc trực ở Hàng Xanh đưa ông Tướng về Biên hòa,…). Quá nhiều truyện vô lý! Nêu và phân tách thêm chỉ phí thời giờ. Chỉ xin hỏi ông một cách tóm tắt là cái Sở Ðặc nhiệm Tình Báo của Phủ Tổng thống mà ông nêu trong những trang này là cơ quan nào vậy? Ai chỉ huy? Nhiệm vụ? Tôi thì cho là ông lén về Saigon, bỏ đơn vị “moong” về Thủ Ðô, để du hí, để nhẩy đầm, chẳng ngờ bị tổ trác gặp ngay lúc có đảo chính, các phi cảng đóng cửa, không có máy bay để về ngay đơn vị.
8. Ðiệp viên 007 hay James Bond?
Ðầu năm 56, Chính cục 521 của phòng 6, tức là bộ phận Công tác (Action) của Quân khu 1 do Trung úy Huỳnh kim Vu chỉ huy. Tiền thân của bộ phận này là GCMA (groupement des Commandos mixte aéroporté) -Biệt kích Dù Pháp trong thời chiến trước Genève 54. Các nhóm này chuyên nhảy dù, hoạt động ở hậu địch. Ðiển hình có những Toán người dân tộc thiểu số Thượng du Bắc Việt của Ðại úy Lý seo Nùng, hay nhóm Thượng Rhé của Ðại úy Ðinh Ngô, đã được Pháp huấn luyện tại cù lao Lý sơn, ngoài khơi Quảng Ngãi, rồi thả dù trở lại xuống quê hương bản quán (Quận Sơn hà) để hoạt động hậu Ðịch. Huỳnh kim Vu ngày đó đeo huy hiệu Dù Pháp to tướng trên ngực áo. Giờ đây đọc phần cuối trang 244, thấy ông Ðính kể về nhảy dù: “Thực hiện nhảy trong tất cả các điều kiện ngày, đêm, bất ngờ, mưa gió. Các điều này tôi đã từng thực hiện trên chiến trường Bắc Việt, nhấùt là nhẩy sau lưng Ðịch để thục hiện các công tác thám báo, rồi từ đó len lỏi vào các khu vực bị Ðịch bao vây, thực hiện cuộc phản công hai mặt, trong đánh ra, ngoài đánh vào như ở các vùng Thái Bình Nam Ðịnh mà tôi đã từng phụ trách”. Tôi không hề nghe bất cứ ai nói ông Ðính xưa kia thuộc GCMA! Ðầu năm 55, gặp ông tại Tam quan, tôi chỉ thấy ông -tuy rằng rất thích mạo danh lính dù, cho có vẻ ngang tàng mà chỉ dám vận cái quần saut rằn ri của binh chủng dù, nhưng lại kèm theo áo sơ mi kaki vàng. Theo tiêu chuẩn Pháp, ăn vận quần nọ áo kia, tráo trở như vậy, bị coi là tenue panachée đấy! Nếu ông từng nhảy dù thời Pháp rồi, nhất định ông sẽ đeo bằng dù Pháp, một cách danh chính ngôn thuận, như Huỳnh kim Vu. Bản chất thích le lói, mà lại áo gấm đi đêm, khước từ đeo bằng dù, thì cũng là điều khó hiểu. Ông bịa về vụ 8 sỹ quan Mỹ cùng ông theo học khóa huấn luyện nhẩy dù do MACV tổ chức, trong 3 tháng, mỗi ngày từ 4 giờ sáng đến 8 giờ sáng và chiều từ 5 giờ cho đến tận đêm khuya. Nói như vậy đến chó cũng không nghe nổi! Tôi phải cố gắng hết mức mới khỏi buột miệângï chửi thề! Quân Ðội Hoa kỳ có những trung tâm đào tạo dù như tại Fort Benning rất tối tân. Có đủ các loại trợ huấn cụ, quan trọng nhất là chuồng cu (tức đài nhẩy 33 bộ). Trung tâm dù dưới Bà Quẹo của ta cũng có đài 33 bộ, nhưng không có tháp cao hơn trăm bộ, rút 4 vòm dù lên cao rồi thả xuống. Cũng không có quạt gió thổi tung dù, để tập thao tác :”Tránh dù lôi!”. Tại miền Nam trước dây, ngoài trung tâm Bà quẹo, kể từ giữa năm 61, còn có Trại Biệt kích Thủ đức đào tạo Dù, do CSD thiết lập, nhưng thiếu đài 33 bộ. Không bao giờ nghe nói có một trung tâm đào tạo dù nào vào năm 62 của MACV ở Saigon cả!
Thời gian tập ở dưới đất (entrainement au sol) thời Pháp còn chiến tranh, phải đào tạo lính dù cấp tốc để bổ xung cho chiến trường, là 7 ngày. Sau này là 1 tháng. Phải tập nhào lộn trước, sau, trái, phải. Tập mặc dù, ra cửa, xuống dù, tránh dù lôi, khám dù, nhảy với dồ trang bị, v.v… . Tất cả những thao tác này phải tập lúc thanh thiên bạch nhật, ban ngày, để moniteur (huấn luyện viên) có thể trông thấy mà hướng dẫn, sữa chữa? Còn đêm khuya, tối như hũ nút, chả lẽ sờ à? Thế mà ông khoe là trong suốt 3 tháng trường, tối nào cũng tập từ 5 giờ chiều tới đêm khuya. Làm tôi nghĩ nhảm hay là các ông đi thực tập mỗi đêm ở các bãi nhẩy Croix du Sud, Arc en Ciel hay Mỹ Phụng,…? Tôi cũng liên tưởng tới cảnh ồn ào, tấp nập tại Ngã Ba Chú Ía mỗi buổi sáng: các “thợ bổ” lê la bên những sạp quà rong, lục vấn nhau: “đêm qua mày được mấy dù?” Cũng đều được kêu là dù cả!!! Ông Tướng Quảng Lạc có vẻ bị ám ảnh nhiều bởi những hồi ức kháng chiến của Rémy, như là vào năm 43 tổ chức SAS từ bên Anh đã thả điệp viên mỗi đêm xuống đất Pháp đang bị Ðức Quốc Xã chiếm đóng, hoặc gương OSS của Patti thả dù toán Lu Conein xuống Tân trào vào đầu năm 45, để huấn luyện Trung đội Võ trang tuyên truyền đầu tiên của Giải phóng quân cho Võ nguyên Giáp. Các Toán Lôi Vũ của chúng tôi, thời 61, 62 cũng nhảy đêm xuống Hạ Lào. Việc chuẩn bị, tổ chức, hết sức rắc rối, nhiêu khê, vô cùng phức tạp, phải ở trong cuộc mới nói có sách, mách có chứng được! Hoạt động về đêm, ở ngoài nhìn vô, thấy thật là lãng mạn, kiểu “điệp viên trong bóng tối!” Nhưng tập luyện là ban ngày, không phải là hàng trăm đêm như ông đã bốc láo! Oâng phịa không đúng kiểu, chỉ làm trò cười cho thiên hạ! Buổi thao diên nhảy dù ngày 25.10.62 mới thật là “Ðại phịa” vì ông vỗ ngực tự khoe là nhảy điều khiển chỉ có mình ông đáp đúng trước khán đài, đạt điểm cao tối đa (?), còn các Sỹ quan Mỹ, nếu không bị thương thì cũng đáp lạc bãi hết! Nhắc cho ông nhớ là năm 1962 không phải là năm 2000! Ngày đó toàn quân lực ta may ra có chừng dăm huấn luyện viên là có thể nhẩy dù điều khiển khá chính xác (như là Vinh, Lộc, Cư của Liên đoàn Dù; Sướng, Ký của LÐ 77).
Dù ngày đó cũng chỉ mới có B 12 là hết mức, chưa có những loại chữ nhật và hình thoi, dễ lái gấp bội, như ngày nay. Liên quan tới ông, tôi còn nhớ có đọc một bản tin ngắn trên tờ Chiến Sỹ Cộng hòa vào dạo ấy, có hình chụp ông đang được Ðại tướng Tỵ bắt tay, vỗ vai (chắc là sau khi đã gắn huy hiệu dù cho ông). Tôi nhớ quang cảnh trống trơn, không thấy khán đài, Paul Harkins, lính dù Mỹ Việt, khán giả đâu cả! Có thể là ở bãi nhảy Hóc Môn hoặc Bà Quẹo, vì khi đó DZ Củ chi đã mất an ninh rồi. Cần cho ông biết thêm là đúng vào thời điểm trên, tôi có được mời ngồi trên khán đài ngay bến Bạch Ðằng, coi Liên đoàn Dù nhảy biểu diễn xuống một sàn nổi ở giữa sông, sát bến đò Thủ Thiêm (bữa đó hình như là ngày kỷ niệm thành lập Liên Ðoàn Dù). Tình cờ chúng tôi được xếp ngồi cạnh Ôâng Bà Ðặng cao Thăng của Hải quân, một người bạn lâu năm. Ông Ðính có thể quên những sự kiện lịch sử 4 chục năm về trước, nhưng tôi thì không bao giờ quên được, nhất lại là liên quan tới nhảy dù. Vì lẽ ở bên chính quốc việc huấn luyện quy củ hơn, nên quân nhân đồng minh đều có sẵn bằng dù Mỹ rồi. Khi tới Việt Nam, ai cũng muốn đeo thêm bằng dù VN. Nên họ phải nhảy thêm ít nhất là 2 lần nữa với các đơn vị dù VN. Suốt năm 63, tôi đã được mời cùng nhảy, để rồi tự tay gắn huy hiệu dù VN cho Ðại tá O’ Connor, Cố vấn trưởng Quân đoàn 4, cũng như một số đông Mũ nồi xanh thuộc các Trại tại vùng châu thổ sông Cửu Long. Cho mãi đến tận năm 65 -khi làm việc với CSD ở Bình Ðịnh tôi còn có dịp gắn huy hiệu dù VN cho một số Sỹ quan của Sư đoàn Mãnh Hổ Ðại hàn, sau khi đã cùng họ nhảy 2 sauts. Gần đây, trong năm 95, Ðại tá Hải quân trừ bị Uc James Devitt có liên lạc yêu cầu tôi xác nhận lại những lần nhảy cùng với tôi, cũng thời 65, khi ông ta còn là Ðại úy thuộc LLÐB Uc, biệt phái tới làm việc với CSD. Có tờ xác nhận này, Jim mớiõ dễ dàng xin được Bộ Cựu chiến binh Uùc trợ cấp y khoa, săn sóc cột sống cho mình suốt đời! Những thí dụ trên đây cho thấy là các Sỹ quan Mỹ không bao giờ học căn bản nhảy dù tại VN. Lớp học nhảy dù tổ chức tại MACV, từ tháng 9 đến tháng 11.62, gồm 9 khóa sinh (8 sỹ quan Mỹ và ông Ðính), là không hề có! Cũng như vụ thao diễn về nhảy dù của liên quân Việt Mỹ vào ngày 25.10.62 cũng là đại phịa!
9. Nhập Ðảng Cần Lao
Trong hàng chục trang (kể từ tr. 80 trở đi), ông Ðính kể về tiến trình gia nhập Ðảng Cần Lao. Ông kể là vào một chiều thứ bẩy cuối năm 57, ông đã được diện kiến ông Ngô đình Cẩn tại căn nhà Phú Cam. Ðúng một tuần sau, Ðại úy Lê quang Tung dẫn ông tới trụ sở bí mật của Ðảng Cần lao, để dự lễ tuyên thệ gia nhập Ðảng. Ðó là một biệt thự nằm gần trường Thiên Hựu (Providence) Huế. Ông tả là trên bàn thờ có tượng Chúa Giê su (?), quốc kỳ, đảng kỳ,… Sau khi chấp nhận 3 lời thề, ông trở thành Ðảng viên và được bổ sung vào Quân ủy. Một lúc sao ông Cẩn mới tới bằng xe Jeep màu trắng và chúc ông Ðính đã trở thành “người trong nhà”! Cuối năm 56 (tức là 1 năm trước đó), ông Lê quang Tung đã đeo lon Trung tá và vào Saigon thay thế Trung tá Lê văn Lung, làm Giám Ðốc Nha Tổng Nghiên Huấn Bộ Quốc Phòng. Trung tá Lung giải ngũ, vì đáo hạn tuổi. Ðầu năm 57, Nha Tổng Nghiên huấn giải tán, để thành lập Sở Liên Lạc Phủ Tổng thống. Khoảng tháng 3.57, Trung tá Tung đã đi cùng Thiếu tá Trần văn Hổ sang bên căn cứ Saipan của CIA học lớp mật vụ đầu tiên. Vài tháng sau trở về, Trung Tá Tung luôn luôn phải ngồi túc trực mỗi ngày cạnh máy điện thoại chờ Tổng thống gọi đến. Ông Tung không thể thường xuyên có mặt ở Huế và cũng không còn là Ðại úy vào cuối năm 57, như lời ông Ðính kể trên đây. Do đó những điều ông Ðính kể (từ trang 80 trở đi) không có cơ sở để mà tin cho nổi. Ðồng thời lại mâu thuẫn với những sự kiện cụ thể đã được trình bày chi tiết, nhất là còn khá nhiều nhân chứng, trong tiểu mục 3 (Thành lập Quân ủy Lê Lợi) ở phần trên. Văn phòng thường trực của Quân ủy – tức Ban 5 trong những năm 56, 57, do Trung tá Nguyễn văn Châu, Giám Ðốc Nha Chiến tranh Tâm lý BQP làm Trưởng Ban. Trung úy Ðạt phụ trách Văn phòng tại trụ sở số 72 Phạm đăng Hưng, Tân Ðịnh (Saigon). Kể từ năm 58, trụ sở 72 Phạm đăng Hưng được dẹp bỏ và Ban 5 di chuyển vào làm việc chung cùng trụ sở với Chính cục Phan tây Hồ (cơ sở Ðảng tại Quân khu Thủ Ðô). Ðây là 1 căn phòng lớn trên lầu tòa nhà sát cổng sau đường Nguyễn Du của Dinh Ðộc lập. Trung tá Lê quang Tung cũng thay thế Châu làm Trưởng Ban 5 và đặt Thiếu úy Ngạc thay Ðạt làm ở Văn phòng thường trực. Tuy rằng mang tiếng là Quân ủy Lê lợi, nhưng cả 2 ông Bí thư và Phó Bí thư (Lê văn Nghiêm, Tôn thất Xứng) không hề lai vãng tới trụ sở. Kể từ năm 58 trở đi, điều hành mọi công việc liên quan tới Ðảng trong Quân đội là Lê quang Tung. Tung là người của ông Cẩn tiến cử vào phục vụ cho Tổng thống từ cuối năm 56. Tại Saigon, Ban 5 lại trực tiếp báo cáo và nhận chỉ thị từ ông Nhu. Tuy rằng 2 anh em ông Nhu và ông Cẩn đôi lúc có những ý kiến mâu thuẫn lẫn nhau, nhưng Tung, với bản chất điềm đạm của một thầy tu xuất, đã cố gắng dung hòa, chiều chuộng được cả hai.
10. Mang trứng giao cho ác!
Kể từ đầu năm 63, Bộ Tư lệnh Lực lượng Ðặc biệt VN được thành lập, nhưng trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu, trở thành một đơn vị chính quy, ra hoạt động công khai. Không còn là một cơ quan mật, trực thuộc Phủ Tổng thống như những năm trước nữa. Ông Ðính cũng đã khôn khéo đề nghị Tổng thống cho ông Tung được mang cấp bậc Ðại tá. Ông lại khéo léo -nhân có truyện trở về Huế dẫn ông Tung đeo lon mới tới trình diện ông Cẩn. Mang ơn ông Ðính, ông Tung đã để ông Ðính khống chế về mọi mặt, chính quyền cũng như Ðảng. Kể từ giữa năm 61, khi thành lập Hành Quân Lôi Vũ, hàng ngàn quân nhân đã được đào tạo về nhảy dù tại Trại Biệt kích Thủ Ðức. Nhưng cuối trang 52 của cuốn Special at War, tác giả Shelby L. Stanton, NXB Howell press, lại có ảnh chụp tấm bằng nhảy dù VN do Ðại tá Cao văn Viên ký vào đầu năm 63, cấp phát cho Col Morton, Tư lệnh Liên Ðoàn 5 Mũ nồi xanh (5th Group USSF), chắc là sau khi Colonel Morton đã nhảy 2 sauts cùng Liên Ðoàn Dù. Colonel Morton khi đó là Cố vấn (counterpart) cho Ðại Tá Tung, Tư lệnh Lực lượng Ðặc biệt VN. Sự kiện này tuy nhỏ, nhưng đã chứng tỏ là Mũ nồi xanh đã coi như không có ông Tung, mặc sức tự tung, tự tác. Hàng ngày Col Morton xử dụng Trực thăng chỉ huy bay tới khắp các Trại trên toàn miền Nam, để ban những chỉ thị trực tiếp, mà không có sự thảo luận cùng ông Tung. Mũ nồi xanh Mỹ lại trực tiếp trả lương cho số Dân sự chiến đấu tại các Trại. “Qui paie, gouverne!” (ai chi tiền, thì nắm quyền chỉ huy). Hơn nữa, ai cũng rõ ông Tung chỉ là một loại quan văn, không nhảy dù, không quen bay mỗi ngày.
Ông cũng không muốn rời Văn phòng, sợ mất đi sự kiểm soát hệ thống Ðảng, cái khâu cuối cùng để ông vẫn còn bấu víu được với Lãnh đạo. Với chính sách can thiệp của Mỹ, các Trại LLÐB được thành lập cấp tốc, thu hút trọn gần hai chục Toán Lôi Vũ (đây là lực lượng chủ công, tinh nhuệ nhất của Sở KTÐH trước đây, vì các toán viên nguyên lai là ở Dù, Thủy quân lục chiến, Liên đội quan sát). Hầu hết số quân nhân các cấp thuộc Sở Khai thác Ðịa hình cũ, cũng như số đông Sỹ quan được lấy về sau này, đều được phép mang bằng dù danh dự, vì chưa từng nhảy dù bao giờ. Không nói ra công khai, nhưng bọn Mũ nồi xanh Mỹ bắt đầu lấn lướt phía VN cũng là điều không thể tránh khỏi. Mang sẵn niềm tự hào: “Fighting soldiers from the sky. Fearless men who jump and die!” vẫn được hát vang mỗi ngày, qua hành khúc “The ballad of the Green Berets”, Mũ nồi xanh khinh thường coi Lực lượng Ðặc Biệt VN là LLDB= Little Lousy Dirty Bugs (loài chấy rận nhỏ bé bẩn thỉu). Còn lại độc nhất 4 đại đội Biệt kích Dù, thì nay cũng giảm khả năng tác chiến rất nhiều, vì đã bị pha trộn bởi số quân nhân của phòng 55 trước đây. Có đại đội lại do các Sỹ quan bộ binh, không phải là Nhảy dù chỉ huy. Kể từ đầu năm 63, các đại đội này không hề nhảy dù nữa! Mặc dầu vậy, nhưng trung tướng Tôn thất Ðính, với tư cách là Tư lệnh Quân đoàn 3 và Tổng trấn Ðô thành cũng đã đề nghị Bộ Tổng tham mưu phân tán được 4 Ðại đội Biệt kích Dù đi các nơi, trước khi có cuộc đảo chính 1.11.63. Trong ngày chính biến, Lực lượng Ðặc Biệt VN coi như sạch bách, không còn một lực lượng tác chiến nào dự trữ tại Thủ Ðô!
11. Gieo gió, gặt bão!
Trong trang 418, ông Ðính có kể về cuộc họp báo tại Tòa Ðô chính vào đầu tháng 9.63, để giải thích lý do Tòa Tổng trấn Ðô thành đã phải thực hiện vụ đánh phá các chùa chiền. Vụ này đã được đăng trên Nhật báo tiếng Pháp “Le Journal d’Extrême Orient”. Nghe nói sau vụ này, ông Nhu đã cằn nhằn: “Sao không trả lời bằng tiếng Việt, để bọn thông dịch viên nó dịch lại cho, lại nói tiếng Tây bồi?” Dám có vụ này lắm, vì ông Ðính bị bọn phóng viên Tây xoay tơi bời, để đến nỗi Tướng Ðôn phải đề nghị xin ông Nhu cho ông Ðính lên Dalat nghỉ ít bữa, e rằng bị mắc bệnh thần kinh! (trích trang 424). Tôi chợt nhớ tới vụ CNN phỏng vấn Tổng thống Nga Putin trong tháng trước. Larry King đặt câu hỏi bằng tiếng Anh. Người thông ngôn dịch sang tiếng Nga và Putin trả lời ngay bằng tiếng Nga. Anh thông ngôn rất giỏi, dịch song song trong khi Putin nói. Tôi thì nghĩ là Putin hiểu tiếng Anh, nhưng có thể nói khó khăn, không được lưu loát. Cho nên ông ta rất khôn khéo, để có thì giờ nghĩ ngợi chuẩn bị câu trả lời, trong lúc người thông ngôn dịch câu hỏi. Không ai có thể trách cứ ông Putin, khi ông không nói tiếng Anh mà chỉ nói tiếng mẹ đẻ. Cũng như mấy anh Tây không thể trách cứ ông Ðính, nếu ông dùng tiếng Việt để trả lời cuộc họp báo vào đầu tháng 9.63 tại Tòa Ðô chính Saigon. Chắc là bữa đó ông phải bù đầu nát óc để tìm sujet, verbe,… thì còn tâm trí đâu mà giải thích lưu loát những câu hỏi móc máy của bọn phóng viên ma đầu Tây? Và đôi lúc lỡ chen tiếng Tây bồi vào cũng là truyện thường tình dễ hiểu, vì tiếng Tây đâu có phải là tiếng mẹ đẻ của ông?
Ngay trong tuần lễ đầu của tháng 11.63, hai Trung tướng Trần văn Ðôn và Tôn thất Ðính đã ra dạo chơi Công trường Lam Sơn và được nhân dân (chắc là Phật Giáo Ấn quang và Hội Ðồng Nhân Dân Cứu quốc) công kênh lên như những bậc anh hùng của cuộc đảo chính 1.11.63. Nhưng hào quang vừa mới lóe sáng đã bị dập tắt ngay, sau 3 tháng phù du say men chiến thắng. Bữa 1.2.64, Tướng Nguyễn Khánh từ Pleiku lén về Thủ đô thực hiện thành công cuộc chỉnh lý và ông Ðính cùng các Tướng trung lập khác bị hốt trọn. Ông Ðính bị đưa lên biệt giam trong một biệt thự tại thị xã cao nguyên Pleiku trong một thời gian, kế đó là bị gạt ra khỏi Quân đội. Trong suốt cuốn hồi ký “20 năm binh nghiệp”, ông Ðính có vẻ cay cú, oán hận ông Khánh nhiều. Sao ông không chịu khó phân tách, để thấy là -nếu ông Khánh không thực hiện cuộc chỉnh lý 1.2.64 thì cũng có 1 ông Tướng khác làm, do lệnh của các Thái thú Cabot Lodge hoặc Maxwell Taylor? Cũng giống như là vào những ngày cuối tháng 10.63, ông và ông Ðôn đã nhận lệnh của Lu Conein vậy! Sau này ông cạy cục để được đắc cử Thượng nghị sỹ trong Liên danh Hoa Sen. Làm Chủ tịch Ũy Ban Quốc phòng Thượng viện. Ai cũng rõ là một khi mà bộ máy chiến tranh hoàn toàn do Hoa kỳ lãnh đạo, thì những chức vụ trên đây có vẻ hoa lá cành, trang trí, tương tự như những chức huyện hàm, hoặc hàn lâm đãi chiếu (giải chiếu cho vua!) của thời phong kiến vậy! Có nghe lúc này ông kiêm Chủ nhiệm Nhật báo Công luận, vẫn còn hách xì xằng, còn giữ cây gậy chỉ huy (bâton de commandement). Có bữa quá nóng giận, mất khôn, ông tưởng đâu vẫn còn làm tướng, nên dùng gậy chỉ huy khỏ lên đầu anh quản lý, không ngờ bị anh ta giằng được gậy đánh lại. (Vũ đạo Doanh đã xác nhận lại vụ này trong năm 89 tại căn OO 10 Cư xá SQCH Saigon). Cũng nghe nói là ngày di tản, khi tới Guam, lúc nào ông cũng đóng kịch, giả vờ điên khùng, ngớ ngẩn, để gợi lòng thương xót và luôn luôn lo sợ gặp thứ lính dữ, họ sẽ cáp duồn, hay ít nhất cũng tẩm quất cho một trận, vì những người như ông mà nên nỗi này, phải nước mất nhà tan, xẩy đàn tan nghé! Ông Nguyễn linh Chiêu, Tùy viên Quân sự tại Hoa thịnh Ðốn trước khi sập tiệm, có vẻ tội nghiệp cố bào chữa cho ông. Kể lại là ông rất ăn năn, hối hận, xám hối. Từng thú nhận (khi còn là Thượng nghị sỹ ngày sang thăm Mỹ) thật là một lỗi lầm lớn nhất trong đời ông, khi đã trót tham dự vào vụ tạo phản ông Diệm!
12. Cọp chết để da!
Tháng trước đây có nghe Tướng Mai hữu Xuân vừa qua đời âm thầm tại miền Ðông. Ông được biết đến nhiều, khi đã thực hiện thành công vụ thảm sát 2 anh em nhà Ngô. Hoàn thành mỹ mãn nhiệm vụ, ông trở về đứng nghiêm chào, báo cáo cùng ông Minh Dương: “Mission accomplie!” Ðời sống của những bậc già lão gần đất xa trời ở miền đất tạm dung này thật là cô đơn. Không lái được xe, cả ngày ru rú ở trong căn chung cư mà con cháu đã mướn cho để ở. Năm thì mười họa mới có con cháu, người quen kẻ thuộc tới thăm viếng, truyện trò. Nghe đâu ông cựu tướng nhà tình báo lỗi lạc một thời đã chết và mãi hàng tuần sau xóm giềng, thân quyến mới khám phá ra. Tại miền Nam trước đây lúc người Pháp ra đi sau HÐ Genève 54 chỉ có 4 bậc đại thụ coi như có đẳng cấp cao nhất trong ngành An ninh Tình Báo, vì là Kiểm tra Công an (contrôleur des Suretés). Dưới thấp nhất là inspecteur (thẩm sát viên), rồi dến rédacteur (biên tập viên); kế nữa là commissaire (quận trưởng); trên cùng mói là contrôleur! 4 ông này là: Mai hữu Xuân, Tôn ngọc Chắc, Trần bá Thành và ông (tôi quên mất tên) làm Trưởng Ty CSCA Khánh hội vào năm 56. Ông Mai hữu Xuân còn là Giám Ðốc An ninh Quân Ðội ngay thời 55 và đã chứng tỏ hết sức hữu hiệu trong suốt thời kỳ Bình xuyên gây hấn tại Ðô thành. Ngày đó An ninh Quân Ðội có Tiểu đoàn 530 và Phòng 6 có Tiểu đoàn 531. Ðây là 2 Tiểu đoàn hết sức đặc biệt, vì bao gồm các tay phiêu lưu quốc tế, những thông tín viên, mật hộ viên, băng đảng, du đãng, mã thầu dậu, anh chị đâm thuê chém mướn, dân đứng bến, v.v… Một khi mà kiểm soát được đừng để họ đi quá trớn thì lực lượng trên đây đúng là khắc tinh của cái xã hội đen, cặn bã (les bas fonds de la ville), mà bất cứ đô thị nào trên khắp thế giới cũng có. Nhưng chủ trương này không được tán đồng dưới thời Ðệ Nhất Cộng hòa, đặt nặng trên căn bản đạo đức. Hơn nữa, ông Diệm lại rất nghi ngờ những thành phần an ninh mật vụ do Pháp đào tạo và để lại. Nên ông Xuân bị cất chức Giám Ðốc An ninh Quân đội (mà không hề cho biết lý do) và điều sang miền Ðông chỉ huy chiến dịch Trương tấn Bửu, chuyên đi truy kích các Ðảng cướp Bời Lời, Rừng Xanh ăn hàng dọc theo Quộc lộ l3. Kế tiếp là về chỉ huy Trung tâm huấn luyện Quang Trung (Quán tre), một cương vị không mấy quan trọng trong thời chiến tranh chưa leo thang. Giấc mơ của ông Xuân là chỉ huy ngành Mật vụ (như nhiệm vụ của ông Tung hay là của Bác sỹ Tuyến sau này) bị tan thành mây khói.
Ông (Mai hữu Xuân) cho là ông Diệm kỳ thị, bất công, nên nén căm hờn suốt 7, 8 năm, chờ thời cơ thuận tiện vào ngày 2.11.63 mới hạ chiêu độc thủ! Nếu động cơ dẫn đến việc tham gia đảo chính 1.11.63 để giết ông Diệm của ông Mai hữu Xuân là có thể hiểu được, thì sự tham dự của hai ông Tôn thất Ðính và Ðỗ Mậu hai Ðảng viên Cần Lao đã từng huyết thệ, thề trung thành với Ðảng và Ngô lãnh tụ trong Ðại hội Quân ủy Lê lợi cuối năm 55 tại Nha trang là hết sức phi lý, vô luân, vô đạo, phản trắc! Tháng trước có nghe tin ông Ðỗ Mậu trở về thăm viếng Việt Nam, đã ngồi xe lăn lên Ðài Truyền hình Hà Nội trả lời phỏng vấn để ca tụng chế độ Xã Nghĩa. Cuốn sách VNMLQHT đã được bầy bán ở Saigon, ngay từ năm 95. Không thể lấy bút mực nào mà ghi cho hết những hành vi phản bội này. Ðành phải mượn tạm một bài thơ đã từng được báo Văn Nghệ Tiền Phong đăng tải:
TƯỚNG TÀI VÕ LẠY!
“Lạy Trung tá xin tha mạng sống.”
Trả lời di! Có đúng hay không?
Hay là lời nói trôi sông.
Khẩu từ vô chứng lạy xong chối dài!
“Sinh vi tướng” tướng tài võ lạy.
Năm sáu ba võ ấy dở ra,
Làm cho tan cửa nát nhà.
Ðất bằng bỗng nổi phong ba ngất trời!
Quân cẩu tặc, mặt người dạ thú,
Sách in ra “mợ nó” nhục lây,
Cháu con nội ngoại một bầy,
Ngàn năm bia miệng lỗi này tại ai?
Bài thơ này do Trung tá Phúc làm khi thấy cuốn sách VNMLQHT được xuất bản. Ông cho biết định bắn chết Ðỗ Mậu khi lên tầu nhỏ. Ðỗ Mậu phải quỳ xuống chắp tay lạy ông, mới được toàn mạng. Ðỗ Mậu huênh hoang tự khoe trong VNMLQHT là mạng “Sinh vi tướng, tử vi thần!” Kể từ ngày chính thể hợp pháp, hợp hiến Ðệ Nhất Cộng hòa cáo chung, không ai xa lạ gì với những vụ lon cách mạng, lon lèo, lon phường chèo! Ngay như một tên lơ xe đò cũng con được tấn phong ngang xương là Ðại Tá Thanh Tùng, thì có nghĩa lý gì cái lon tướng cách mạng? Còn Thần, Thần nào? Thần ngành nanh đỏ mỏ, hay là thần ông bình vôi ở các gốc cây đa trước đình miếu? Tục truyền rằng những kẻ phản trắc quá ác nhân ác đức, mà chết lại gặp giờ trùng, thì khó có thể siêu thoát, trở thành cô hồn. Ở quê hương ta, cúng cô hồn là vào ngày Rằm tháng Bẩy, cúng cháo lá đa (cháo nấu đặc đựng trong các bù đài uốn tròn bằng lá đa xếp đầy mâm):
Tiết tháng Bẩy mưa dầm sùi sụt
Toát hơi may lạnh lẽo xương khô
Não người thay buổi chiều thu
Ngàn lau nhuộm bạc, lá ngô nhuộm vàng…
(Văn tế Cô hồn của cụ Nguyễn Du)
Trên đất Mỹ này cúng cô hồn lại được tổ chức vào ngày đầu tháng 11. Không cúng bằng cháo lú mà cúng bằng kẹo bánh. Trong ngày lễ Halloween các nhà phải chuẩn bị sẵn kẹo để phân phát khi các cô hồn (hóa trang ma, quỷ, tiên nữ, phù thủy, thần Chết) lũ lượt tới xin. Nếu không cho, chúng sẽ lật sấp những thùng đựng rác! Bữa sau ngày lễ Halloween là lễ Cầu Hồn (Fête des Morts) vào sáng ngày mồng 2 tháng 11. Cũng lại là ngày giỗ Tổng thống Ngô đình Diệm và bào đệ Ngô đình Nhu. Cái mốc để ghi nhớ và khó có thể quên được bàn tay vấy máu lãnh tụ của tên phản bội, phản Ðảng Hoành Linh!
Mùa Biển Ðộng, Trọng Thu Canh Thìn,
Trần khắc Kính
Nguồn: Viễn Du Online
|