Các cuộc đối đầu rất hiếm xảy ra ngoài khơi gần Hawaii, nơi Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ trú đóng và Tuần Dương Mỹ có mặt đông đảo.
Tuy nhiên ngư dân tại đây lo ngại khi quan sát tàu đánh cá Trung Quốc đe dọa ngư dân Philippines tại vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền ở Biển Đông.
Vào năm 2016, một tòa án độc lập do Liên hiệp quốc yểm trợ đã ủng hộ Philippines trong việc phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển này. Tuy nhiên, Trung Quốc bác bỏ phán quyết, và các tàu Trung Quốc vẫn thường xuyên có những cuộc đối đầu tại Biển Đông với các nước khác trong vùng dựa vào khu vực đánh bắt này.
Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ hải sản lớn nhất thế giới, và những người chỉ trích nói đội tàu của nước này áp dụng những chiến thuật lấn lướt trong lúc nỗ lực nuôi sống 1,4 tỉ dân. Tàu Trung Quốc bị cáo buộc đánh bắt bất hợp pháp và không báo cáo tại nhiều nơi trên thế giới—cáo buộc mà Trung Quốc bác bỏ. Và các giới chức ngành đánh cá tại Hawaii lo ngại về việc Trung Quốc mở rộng vùng đánh bắt tại Thái Bình Dương.
Lấn lướt
Tàu thuyền Trung Quốc, theo cáo giác, đuổi ngư dân Triều Tiên ra khỏi vùng biển của họ, và người Triều Tiên đôi khi đánh bắt bất hợp pháp ngoài khơi bờ biển của Nga.
Đối với các ngư phủ trên những con tàu mong manh, kết cục thường là xấu. Hàng trăm con tàu ma của Triều Tiên trôi dạt đến Nhật Bản, thường chở theo đầy xác ngư dân. Một số người đồn đoán cho rằng các ngư phủ này bị chết vì đói sau khi bị các đội tàu Trung Quốc buộc đi vào vùng biển nguy hiểm cách xa nước họ.
Năm ngoái, một đoàn tàu Trung Quốc 300 chiếc gây báo động cho các nhà hoạt động cho môi trường khi tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Ecuador, gây quan ngại trên toàn thế giới về ảnh hưởng đến đời sống của sinh vật biển tại Quần đảo Galapagos nhạy cảm. Hình ảnh vệ tinh cho thấy đoàn tàu trở lại khu vực này trong năm nay.
Trung Quốc và luật Mỹ
Ngược lại, các tàu đánh cá Mỹ bị kiểm soát gắt gao hơn tàu Trung Quốc. Tàu Mỹ bị giám sát chặt chẽ theo luật Mỹ, ông Eric Kingma, giám đốc điều hành Hiệp hội Nghề cá đánh bắt xa bờ Hawaii, đại diện cho ngư dân địa phương, nói.
Trung Quốc không những chỉ có mức độ theo dõi thấp, mà còn là nước tồi tệ nhất trong việc phớt lờ các qui luật, theo những người chỉ trích. Tuần duyên Mỹ và cơ quan Quản trị Đại dương và Khí quyển Quốc gia đã dẫn ra nhiều cáo buộc đánh bắt bất hợp pháp của tàu thuyền Trung Quốc.
Hoạt động đánh bắt của Trung Quốc rất rộng. Trung Quốc có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất thế giới và sẽ lên đến 3.000 chiếc. Tuy nhiên một phúc trình của Tuần duyên Mỹ cho hay một đoàn tàu 3.000 chiếc nữa của Dân quân Biển thuộc Lực lượng Vũ trang Nhân dân đang có những hành động lấn lướt trên biển khơi và trên chủ quyền biển của các nước khác” trong việc theo đuổi các lợi ích hàng hải của Trung Quốc.
Lực lượng Vũ trang hàng hải
Viện Phát triển Hải ngoại, một trung tâm nghiên cứu của Anh, ước tính đoàn tàu Trung Quốc bao gồm gần 17.000 chiếc kể cả những con tàu mang cờ các nước khác.
Các xưởng chế biến trên biển
Trung Quốc đang đe dọa trữ lượng cá trong lúc theo đuổi những mục tiêu chiến lược sử dụng những nguồn lực khổng lồ, ông Ethan Allen thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye, nhận định. Dù trung tâm này được Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ, nhưng ông Allen nói quan điểm của ông là cá nhân.
“Họ có những con tàu chế biến to lớn với toàn bộ đội tàu đánh bắt ở chung quanh, và do đó họ có thể di chyển đến một khu vực có nhiều cá và chế biến một lượng cá khổng lồ trên con tàu mẹ khổng lồ trước khi rời đi.”
Một số hoạt động đánh bắt mở rộng của Trung Quốc hoàn toàn hợp pháp, được thực hiện qua các liên doanh, bằng cách trả phí tiếp cận, hay qua những thỏa thuận với các đảo quốc Thái Bình Dương cho phép tàu thuyền Trung Quốc đánh bắt trong vùng biển của họ.
Mười đảo quốc Thái Bình Dương đã gia nhập Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, một dự án hạ tầng cơ sở toàn cầu.
Một trong những đảo quốc này là Kiribati, có vị trí chiến lược tại trung bộ Thái Bình Dương và đang tiến hành các cuộc thảo luận để xây một cảng do Trung Quốc tài trợ và tân trang một căn cứ không quân từng được dùng để lực lượng Mỹ chống lại quân đội Thiên hoàng Nhật trong Thế chiến Thứ hai. Các giới chức Kiribati nói dự án có tính cách dân sự, không phải quân sự.
Tuy nhiên, dù sao đi nữa dự án này cũng là một phần của sự bành trướng Trung Quốc trên toàn thế giới. Một phúc trình năm 2019 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế phát hiện 46 dự án cảng hiện hữu hay dự trù tại tiểu vùng Sahara châu Phi được tài trợ, xây dựng hay điều hành bởi các thực thể Trung Quốc.
Lãnh đạo Samoa lo ngại
Một lãnh đạo tại Thái Bình Dương đã phản kháng. Thủ tướng mới của Samoa đã hủy bỏ kế hoạch xây cảng do Trung Quốc tài trợ vốn được người tiền nhiệm của bà ủng hộ. Bà Fiame Naomi Mata’afa, nữ lãnh đạo đầu tiên của nước này, tuần qua nói với Reuters là Mỹ đã chính thức “rời khỏi” khu vực, nhưng bà quan ngại về thế bị kẹt giữa hai cường quốc. Bà cũng lo ngại về các món nợ ngày càng tăng với Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất của nước này.
Tại lãnh thổ Samoa của Mỹ gần đó, việc đánh bắt cá ngừ vây dài, vốn là trọng tâm của nền kinh tế lãnh thổ này, bị tàu thuyền Trung Quốc gây tác hại, ông Mark Fitchett, một khoa học gia tại Hội đồng Quản lý Đánh cá Vùng Tây Thái Bình Dương, một trong 8 cơ quan được quốc hội Mỹ cho phép quản lý việc đánh cá, nói.
“Chúng ta thấy có một bên dường như không có sự kiểm soát nào về sự bành trướng đội tàu đánh cá của họ và về khả năng rút ra những nguồn lực tái tạo này. Đó là một điều lo ngại lớn của chúng ta,” ông Fitchett nói.
Báo cáo của Tuần Duyên Mỹ, viện dẫn thống kê Liên hiệp quốc, nói 93% trữ lượng cá trên đại dương đã được khai thác hoàn toàn, khai thác quá mức hay đã bị hủy hoại đáng kể. Ông Fitchett nói trữ lượng cá ngừ nhiệt đới chính mà ngư dân Thái Bình Dương nhắm vào- cá ngừ mắt to, cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc, cá ngừ vây dài-không bị đánh bắt quá mức, nhưng “chúng là nguồn được chia sẻ và không phải không cạn kiệt.”
Theo đúng hướng dẫn sẽ giúp duy trì trữ lượng cá như vậy, ông John Kakeno, quản lý chương trình tại Hội đồng Hải sản Hawaii, nói. “Đơn giản là chớ đánh bắt nhiều hơn là hệ thống thiên nhiên có thể tái tạo năm này qua năm khác,” ông nói, và gia tăng mức độ theo dõi quốc tế để đảm bảo là việc đánh bắt được báo cáo chính xác và những qui định được thực thi.
Các nước đã than phiền về thái độ của Trung Quốc, nhưng, nhà phân tích Ethan Allen nói, “không có một tiếng nói thống nhất nào và bất cứ sự ủng hộ thực sự nào” qua các chế tài hay những biện pháp khác để gia tăng những sáng kiến buộc Trung Quốc thay đổi cách thức đánh bắt của đội tàu Trung Quốc.
Nguồn: VOANews