Sự tích bài thơ “Ô Y Hạng” của Lưu Vũ Tích và lịch sử “ngõ áo đen”
Sơ lược về bài thơ Ngõ Ô Y: nhân ở bên bờ phía nam sông Tần Hoài, huyện Giang Ninh (Nam Kinh ngày nay), đời Tấn là nơi ở của những danh gia vọng tộc, trong đó có họ Vương và họ Tạ, (hai họ này có giao ước sẽ làm thông gia với nhau đời đời) vào thời đó, con cháu những gia tộc này thường mặc áo đen, từ đó mới có tên gọi là ngõ Ô Y và vào thời buổi đó, 2 gia tộc họ Vương và họ Tạ cũng như các danh gia vọng tộc khác, họ kiến trúc những đền đài dinh thự thật nguy nga tráng lệ để cư ngụ, đồng thời với những sinh hoạt hằng ngày của họ thật là ồn ào, náo nhiệt, xa hoa, phù phiếm như đàn hát, ca múa, tiệc tùng suốt buổi, thâu canh, mãi cho đến thời gian sau này bởi những biến thiên dồn dập xảy đến khiến những sinh hoạt đã có từ xưa nay mà giờ đây không còn tồn tại nữa, vì thế cho nên các loài chim sẻ, chim én cảm thấy hiu quạnh, cô đơn, nên đã di dời đi nơi khác, tuy nhiên điểm mà các loài chim én dời đến lại là những căn hộ rất tầm thường, nghèo nàn của các dân dã xưa kia cùng ngụ bên cạnh làng, vì thế mà thi hào Lưu Vũ Tích mới làm bài thơ Ô Y Hạng nêu trên, cốt để ta thán sự đời với những biến thiên mà thế thường không ai lường trước được.
Chú thích khác:
“Ô y hạng” (ngõ áo đen) nằm ở miếu Phu Tử tại Nam Kinh, Trung Quốc, phía nam cầu Văn Đức có một ngõ nhỏ rất yên tĩnh, trên bức tường đầu ngõ viết rõ 3 chữ “烏衣巷”. Lịch sử của Ô Y hạng rất lâu đời, là nơi đóng quân cấm vệ nước Đông Ngô thời Tam Quốc. Bởi vì đương thời, cấm vệ quân mặc quân phục màu đen, nên khu này được gọi là “Ngõ áo đen”. Đến thời Đông Tấn, Ô y hạng trở thành nơi cư trú của các nhà đạt quan quý tộc mà đại biểu là hai nhà họ Tạ (tể tướng Tạ An 謝安) và họ Vương (tể tướng Vương Đạo 王導). Lại có truyền thuyết kể rằng con cháu họ Vương, họ Tạ rất thích mặc áo đen, nên người ta gọi con cháu họ Vương, Tạ là “Ô y lang”, và đất này được gọi là “Ô y hạng”.
Vương Đạo, phò tá sáng lập ra vương triều Đông Tấn; Tạ An chỉ huy cuộc chiến ở sông Phì, lấy ít địch nhiều, đánh bại đại quân trăm vạn người của nhà Tần, trở thành danh tướng một thời. Con cháu họ Vương, họ Tạ cũng rất nhiều nhân tài kiệt xuất, trong đó họ Vương có các nhà đại thư pháp nổi tiếng như Vương Hi Chi 王羲之, Vương Hiến Chi 王獻之, Vương Tuân王洵; nhà họ Tạ có Tạ Linh Vận là tổ của thi phái sơn thủy của Trung Quốc, cùng với Tạ Huệ Liên 謝惠連 và Tạ Diểu 謝眺 trở thành “tam Tạ” trong lịch sử văn học Trung Quốc.
Đến thời Đường, Ô y hạng trở thành một gò hoang phế, nhà thơ Lưu Vũ Tích đã viết bài thơ “Ô y hạng” để tỏ sự cảm thán với phế tích này, miêu tả rõ về sự biến hóa biển dâu của Ô y hạng từ thời Lục triều đến thời Trung Đường. Nội dung bài thơ như đã chép bên trên: