Trả lời BBC News Tiếng Việt, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) của Việt Nam đánh giá vụ việc bắt giữ như sau:
“Ông Trịnh Văn Quyết đã bị phạt vì có hành vi vi phạm pháp luật khi bán cổ phiếu trước đây.”
“Nay ông Trịnh Văn Quyết bị bắt để phục vụ điều tra sẽ góp phần tăng cường sự tuân thủ pháp luật trên thị trường chứng khoán ở Việt Nam nói chung và nhắc nhở tới các nhà đầu cơ chứng khoán, thể hiện sự kiên quyết của các cơ quan thi hành pháp luật, không có vùng cấm. Dĩ nhiên, việc này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cổ phiếu của Tập đoàn FLC.”
Ông Lê Đăng Doanh cũng nói rằng: “Hành vi “thao túng thị trường chứng khoán” đã được xác định trong Bộ Luật Hình sự Việt Nam, nếu không ngăn chặn sẽ nêu gương xấu cho những nhà đầu tư chứng khoán khác. Hy vọng việc này sẽ góp phần đưa hoạt động chứng khoán vào đúng quy định của pháp luật.”
Những ai chịu trách nhiệm?
Viết trên trang cá nhân, ông Lâm Minh Chánh đặt câu hỏi: “Vai trò của những người quản lý, giám sát thị trường chứng khoán trong vụ ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch FLC?”
Ông Chánh nói rằng: “Theo báo Tuổi trẻ thì ông Quyết và nhóm của ông thao túng, lũng đoạn giá cổ phiếu không chỉ một lần mà đến hai lần, và đều ở quy mô lớn.”
“Việc làm này ảnh hưởng trầm trọng đến niềm tin của nhà đầu tư và tính minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam. Vị trí xếp hạng của thị trường VN trong khu vực, trên thế giới cũng khó mà thay đổi nếu còn những hành vi lũng đoạn, thao túng chứng khoán “bán công khai” như thế này.”
Nhà báo Hoàng Hải Vân viết trên trang cá nhân: “Nếu mở rộng điều tra thì tôi nghĩ có quá nhiều quan chức từ trung ương đến địa phương dính chàm.”
Vẫn trên trang Hội những nhà đầu tư chứng khoán cá nhân, danh khoản Nguyễn Thị Thùy Trang nêu câu hỏi: “Tại sao nếu Trịnh Văn Quyết bị bắt ảnh hưởng lớn đến rất nhiều nhóm cổ phiếu. Đặt biệt là nhóm đầu cơ… có yếu tố lái. Vì anh Quyết bắt là tội thao túng giá cổ phiếu: thì rất nhiều cổ phiếu đầu cơ có tính chất lái cao đều ảnh hưởng vì đội lái sợ ảnh hưởng theo sẽ bị bắt.”
Báo Thanh Niên hôm 28/3 có bài: “Cổ phiếu ‘họ’ FLC bị bán tháo, rớt sàn”. Theo đó, nhóm cổ phiếu liên quan đến Tập đoàn FLC gồm FLC, ROS, AMD, KLF, ART, HAI… đều bị bán tháo khiến giá lao dốc hết biên độ.
Báo Tuổi Trẻ viết: “Ngày 29-3, hàng loạt cổ phiếu liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết chìm trong ‘chảo lửa’, bị bán tháo và lao dốc mạnh.” Bài này cũng cho biết “kể cả cổ phiếu của những ngân hàng là “chủ nợ” của Tập đoàn FLC cũng bị rớt giá do lo ngại phải ôm nợ xấu.”
Phát biểu từ FLC
Trong ngày 29/3, Tập đoàn FLC ra thông cáo báo chí, nói:
“Vụ việc có liên quan đến việc cá nhân ông Trịnh Văn Quyết thực hiện các giao dịch mua bán chứng khoán trong thời gian gần đây và vẫn đang trong quá trình điều tra ban đầu, chưa có kết luận chính thức. Ông Trịnh Văn Quyết đã và đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra làm rõ các vấn đề liên quan.”
“Để làm rõ, Tập đoàn FLC không phải là chủ thể có liên quan và/hoặc có những hoạt động liên quan đến vụ việc này. Theo đó, vụ việc hoàn toàn không tác động hoặc làm thay đổi các định hướng quan trọng của FLC trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh cũng như phát triển bền vững trong thời gian tới. Đồng thời, cũng không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, cổ đông cũng như các đối tác đang có giao dịch, hợp tác với Tập đoàn.”
Thông cáo cho biết, ông Trịnh Văn Quyết đã tiến hành ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn FLC.
Bà Vũ Đặng Hải Yến sẽ thay mặt và đại diện cho ông Trịnh Văn Quyết thực hiện các công việc, quyền của Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt; cũng như toàn bộ quyền cổ đông tại hai doanh nghiệp này.
Đồng thời, ông Trịnh Văn Quyết cũng ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến toàn bộ các quyền liên quan đến các tài sản, quyền tài sản thuộc quyền sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết.