Phiếm Luận

Vô Thường (無常)

          Theo định nghĩa của từ điển Lê Văn Đức thì từ ngữ “Vô Thường” là biến từ gồm có ba nghĩa chánh như sau:
 1/-Thất thường, không xảy ra luôn luôn, khi có, khi không.
 2/-Theo truyền thuyết thì nó là con quỷ Vô Thường tuân lệnh Diêm Vương đi bắt hồn người đã tới số chết.
 3/-Nhưng theo thuyết Phật giáo thì Vô Thường là chỉ sự tới, lui, tồn tại rồi tan biến của những cảm giác như: đau, khổ, khoái lạc, của người đời.
          Ngoài ra, theo triết lý của Phật giáo mà chúng ta thường được nghe quý cao nhân hay quý Thầy diễn giải về thuật ngữ “Vô Thường” thì nó nằm trong bao la của vũ trụ, cao siêu và thâm thúy của Càn Khôn, nghe qua rồi, đọc qua rồi, ít ai nhớ hết nổi.
          Nói chung, thuật ngữ “Vô Thường” viết theo lối chữ Hán là: [無常] mà “vô thường” nghĩa của nó là “Sát Na” 「刹那」 mà định nghĩa “Sát Na” của Hán ngữ đã được người Trung Hoa phiên âm từ chữ Phạn là: “Kalpa” ra thành chữ  “Kiếp Ba” 「劫 吧] mà nghĩa của từ “Kiếp Ba” là thời gian tính. Vậy Kiếp-Ba 「劫 吧」 hay là Sát-Na 「刹那」 đều là tên gọi chung cho một đơn vị thời gian dài của “vũ trụ” thuộc nền văn học triết lý của Ấn Độ cổ đại,
          Nhưng nếu nói thời gian dài thì nó dài vô hạn, vì thời gian của Vũ Trụ được tính từ một chu kỳ, mà mỗi một chu kỳ là một “Kiếp” [劫] mà mỗi một Kiếp có tới khoảng 43 tỷ 220 triệu năm, kể từ lúc sinh (khởi thủy) của vũ trụ cho tới khi hủy diệt mà Hán ngữ viết như sau:「宇宙從創始到毀滅的一個週期 約為四十三億二千萬年」được chuyển ngữ ra là: (vũ trụ tùng sáng thủy đáo hủy diệt đích nhất cá chu kỳ ước vi tứ thập tam ức nhị thiên vạn niên). Cho nên Phật giáo gọi đó là “sát na” hay “kiếp ba” là như vậy.
          Và cũng theo thuyết Pháp của Phật giáo thì nghĩa của chữ “Kiếp” [劫] còn được phân ra làm ba phần như: Đại Kiếp, Trung Kiếp và Tiểu Kiếp.
           Muốn biết thêm chi tiết về thuyết Pháp này xin tham khảo ở các link sau đây:
http://www.niemphat.net/Luan/phathoctinhyeu/thien2_4.htm
http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-75_4-7740/37-kiep-la-gi.html
          Nhắc lại phần trên, “Sát na” hay “Kiếp ba” đều hàm ý chỉ sự “sinh” và “diệt” và chung quy đều nằm trong thuật ngữ: “vô thường” và đi đến chỗ kết luận là “sự chết”, tức có Sinh 「生」rồi phải có  Diệt 「滅」 có nghĩa là: (thành, trụ, hoại, diệt,) 「成、住、壞、 滅」 đấy là theo triết lý của Phật giáo và cũng còn gọi đó là: (Thiên, Địa, Sinh, Diệt) 「天地生滅」 mà trong Dịch Kinh gọi đó là: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh, 「乾, 元, 亨, 利, 貞」 tức là: Thành, Thịnh, Suy, Hủy.
          Tóm lại, phàm những sự vật gì nếu có “Sinh” tất phải có “Diệt”, chỉ đơn giản có thế thôi.
          Cho nên đã đề cập đến sinh mệnh của con người thì phải nói đến thuật ngữ; “vô thường”, mà theo chủ thuyết của Hồi Giáo thì “Vô Thường” cũng là sự “Chết”, mà hình như hầu hết các tôn giáo khác đều có chung một mẫu số trên quan điểm của thuật ngữ “Vô Thường” và được họ định nghĩa cho đó là “sự Chết” hay những sự việc gì xảy ra một cách bất thường có tầm vóc nguy hại đến sinh mạng .
          Tóm lại, trong pháp ngôn “vô thường” {無常} hay là “ông  thần chết”, hoặc là “tử thần”, thông thường mấy ổng đến viếng “người đã tới số chết” thì mấy ổng đến rất là thình lình và rất là bất ngờ mà không một ai trở tay kịp, cho dầu người đó là bần dân hay vua chúa đều không ngọai lệ.
          Do đó từ ngữ “vô thường” hay đúng hơn là ông “thần chết”, mà người nào gặp “thần vô thường” đến viếng thì kể như “tiêu tán thòn” và khi ông “thần vô thường” đến viếng thì không cần phải báo trước cho đương sự biết, cho dầu vị đó là hoàng đế hay tổng thống hoặc bần dân!.
          Nhân đây, có một mẫu chuyện nho nhỏ mà tôi sẽ lần lượt kể ra nghe chơi cho vui vì nó có liên quan đến thuật ngữ: “vô thường”:
          Số là có một ông cụ, (không tiện nói tên), năm này cụ đã có trên 8 bó tuổi rồi, và cũng như mọi người đã từng quen biết với cụ đều kháo nhau rằng: trông sắc diện và tướng mạo khỏe mạnh của cụ thì chắc cụ sẽ sống đến trên trăm tuổi.
          Còn về thân thế cụ thì bần dân tui cũng không rõ nhiều cho lắm, cụ thể đã từng thấy cũng như biết được về cụ một cách khái quát, thì cụ có một cái “job làm rất thơm”, mà cái “job” đó tính đến ngày nay thì cũng đã có trên hai mươi mấy năm qua rồi mà cho đến nay cụ vẫn còn giữ y nguyên, không hề thay đổi hay bị ai dám “laid off”.
           Dùng từ “job” là nói để đùa vui chơi thôi chớ thật ra “công việc” mà cụ phải làm hằng ngày một cách rất đều đặng và cũng thật là đơn giản, nghĩa là cứ mỗi bữa sáng, chỉ cần cụ “sign in” rồi trưa hay chiều “sign out” trên Google hay Gmail đôi ba lần trong ngày là xong.
          Công việc “log in hay log out”; ra vô mấy lần trong ngày và thời gian lâu hay mau đều được cả vì không một ai lấy cái quyền gì để có thể bắt buộc cụ phải làm theo ý riêng của họ được, ngoại trừ bà cụ.
          Và cũng như mọi người đều thấy và biết cái “đại danh” của cụ từ nhiều năm qua rồi, “đại danh” đây, hàm ý muốn nói đến cái “NICK NAME ma”, “Nick Name quỷ” mà cụ đã áp dụng, có tới mấy chục cái  “NICKS” lận.
          Còn về sinh hoạt hằng này của cụ thường là “bay lượn” trên khắp các Diễn Đàn (Forum) rồi đảo tới, đảo lui không vắng mặt một ngày nào, cho dù ngày đó “long thể” của cụ bất an đi chăng, thì cụ cũng cố gắng “log in, log out”, như cầm con chuột (mouser) mà phang mà khệnh một người nào đó, vì người ấy “dám” trái ý cụ và cứ mỗi lần phang, khệnh, là mỗi lần cụ tuôn ra toàn là “nón cối” khiến miểng đạn trong nón cối văng ra tứ tung trên khắp các DĐ cộng thêm những lời văng tục y như bọn hàng tôm, hàng cá, xong đâu đó thì cụ log out.
          Thực chất cái sinh hoạt hằng ngày này được mọi người suy diễn ra đó chẳng qua là một trò tiêu khiển, là một thú vui để giết thời gian mà đợi ngày “Ông Thần Vô Thường” đến rước cụ.
          Quả thật không sai, rồi bỗng dưng vào một buổi sáng nọ, khi cụ đã   “sign in” và sau khi “quăng liệng nón cối lia chia” xong, kẻ thì bị cụ chọi, người thì bị cụ đè đầu xuống, bắt phải đội cả chồng nón cối lên đầu, đâu vào đó rồi thì cụ mới chịu “log out”, nhưng đặc biệt ngay ngày hôm đó, rủi thay cho cụ! không ngờ đến tối thì “ông thần vô thường” thình lình đến viếng cụ mà không thông báo trước, cho nên cụ đã phải lật đật “khăn gói lên đường” để đi theo “ông thần vô thường” mà trong lúc đó, trong lòng bàn tay cụ vẫn còn đang cầm con chuột “mouser” yêu quý của cụ.
          Tội nghiệp thay! cụ đã “thăng” một cách rất vội vã, đột ngột, mà không kịp trăng trối một lời hay nói: bye-bye với một ai, cho dù người đó là cụ bà hay con cháu trong gia đình, và khi hay tin cụ “ra đi” một cách quá vội vã, thì bần dân tôi cũng rất cảm xúc mà làm bài thơ thất ngôn bát cú dưới đây để tiễn biệt vong linh cụ:
“Vô Thường”
Con quỷ “Vô Thường” rất lẹ làng,
Bất thần nó đến móc tim, gan.
Sáng nghe bác khỏe còn vào lưới, 
Tối báo tin buồn đã phát tang.
Nếu xuống cửu tuyền, sa địa ngục,
Hay lên bồng cảnh, dạo thiên đàng.
Phải coi hạt giống mình gieo cấy (*)
Quả báo nhãn tiền, chớ oán than.
ĐôngThiênTriết.
(*) Hành động như chụp mũ (cối) những ai trái ý và dùng những lời lẽ văng tục như bọn hàng tôm, hàng cá để chửi bới đối phương.
         Thật ra, khi nghe tin cụ quy liễu thì bần dân tui rất bàng hoàng vì không biết con đường cụ ra đi thì cụ sẽ đi về đâu? Bởi nếu xét về phần “tâm linh” thì không biết linh hồn của cụ sẽ bay lên trời hay rơi xuống hố, “hố” đây là hàm ý muốn nói đó là “địa ngục”, mà theo thuyết nhà Phật thì nếu linh hồn nào mà bị sa xuống “địa ngục”, thì có nghĩa là lúc sanh tiền, người đó đã làm những chuyện thất nhơn, ác đức lắm.
          Điển hình như trước mắt mọi người đều trông thấy việc làm của cụ, nào là “quăng liệng nón cối”, chửi bới văng tục thiên hạ bằng những từ ngữ “hàng tôm, hàng cá”. Thiển nghĩ hành động và tư cách như vậy có phải là thất đức lắm không ? bởi theo nhà Phật thì gọi đó là khẩu nghiệp của cụ quá nặng.
          Còn bàn về tâm linh thì hình như hầu hết các chủ thuyết của các tôn giáo đều có chung sự nhất thống đó là: một khi linh hồn nào mà được siêu thoát lên đến 9 tầng trời xanh mà Phật giáo gọi đó là về bồng cảnh, thiên đàng, hay tây phương cực lạc, v,v… còn nói theo Thiên Chúa giáo thì gọi đó là được: Hưởng Nhan Thánh Chúa hay được Chúa triệu về, gọi về. v.v…thì linh hồn đó ắt hẵn lúc sinh tiền đã hành thiện, tích đức.
          Nhắc lại phần trên mà bàng quang thiên hạ hay xầm xì rằng; xét về phương diện sức khỏe, thần sắc, thì họ dự đoán ông cụ phải sống đến trên trăm tuổi, nhưng đâu có ai ngờ cụ “thăng” sớm như vậy? hay chắc cụ đã bị những người đã từng bị cụ quăng chọi nón cối lên đầu, lên cổ, rồi chửi bới văng tục với họ, và bởi do bị súc tích lâu ngày sanh ra ấm ức quá, nên bọn họ hè nhau xúm lại “bề hội đồng” cụ, bằng cách áp dụng chiêu thức “tức khí” của Khổng Minh (1), để đối phó lại với cụ, khiến trong một giây phút nào đó, vì bị “tức khí” quá độ, làm cho các cơ mạch nhỏ lí tí trong bộ não của cụ nó bất thần “nổ tung”, làm đứt các sợi dây thần kinh nhỏ li ti, khiến cụ phải “đột ngột ra đi” trước tuổi, mà y học thường gọi là bị “đột tử”.
       Để kết luận câu chuyện Phiếm Bàn này với chủ đề là “thuật ngữ” của tính từ “vô thường” mà trong vũ trụ Nhân Sinh Quan của thời đại “siêu điện toán” này, thì nó thật là “tiếu lâm”  và chủ đích của tôi chỉ là cống hiến đến các thân hữu bài viết trên đây, cốt đọc để vui chơi trong lúc nhàn rổi chớ không có ý châm chích một cá nhân nào.
Trân trọng.
ĐôngThiênTriết
(1) – Tích Khổng Minh “tức khí” Vương Lãng và Châu Du, khiến 2 người này chết một cách tức tưởi, không kịp trăng trối.

Leave a Reply

error: Content is protected !!