Truyện Ngắn

THỦ-THỈ VỚI BỐ

Nhân FATHER’S DAY, mời cùng đọc Truyện Ngắn “Thủ Thỉ Với Bố” của nhà văn: Hoa-Hoàng-Lan

Hôm nay là ngày giỗ đầu của Bố. Mới đó mà Bố đã xa con một năm tròn rồi. Mười hai tháng dài. Ba trăm sáu mươi ngày con không có Bố. Con không còn được gọi hai tiếng “Bố ơi!”. Con đã không bao giờ còn được thấy bóng dáng thân yêu của Bố vào ra trong tổ ấm nữa. Nhưng Bố ơi, trong tâm-khảm con, hình ảnh của Bố mãi mãi sống còn.
Bố ơi! Hằng đêm con đã nhìn Bố qua di-ảnh trên bàn thờ, qua làn khói nhang uốn tỏa trong không-gian, qua đôi mắt mờ lệ của con, con như thấy Bố nhìn con không chớp mắt. Con vẫn thì thầm với Bố rằng: “Bố ơi! con nhớ Bố. Nhớ Bố vô cùng. Bố ơi! Bố có biết không?” Con gọi Bố mãi, Bố không trả lời con. Con thèm một tiếng “ơi!” của Bố, để thấy rằng con chưa bao giờ mất Bố. Bố ơi! Mặc dù  biết rằng sẽ không bao giờ Bố nghe con gọi nữa. Mặc dù biết rằng hai tiếng “Bố ơi!” chỉ là tiếng nức nở của lòng con thương tiếc Bố, nhưng Bố ơi, con vẫn gọi thầm “Bố ơi! Bố ơi!”. Nếu có thần-giao cách-cảm, hẳn ở nơi nào đó, Bố đã nghe tiếng lòng con thổn-thức gọi “Bố ơi!”.
Con còn nghe đâu đây giọng ru con của Bố. Giọng Bố ấm, tiếng ru hời khác hẳn của Mẹ con. Mẹ con thường ru bằng tiếng “à ơi!”:
“À ơi! Cái ngủ mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về.
Bắt được con giếc, con trê,
Cầm cổ lôi về, nấu cho ngủ ăn.”
Còn Bố thì ru con bằng tiếng ca… tân nhạc. Bài ca “Lời Du-Tử”, con không biết ai là tác-giả, nhưng lời ru đã rót vào tai con những âm-thanh êm đềm:
“Về nơi đâu, về nơi đây,
Dừng chân ta ngắm cảnh bao la sầu.”
Hoặc “Cô Lái Ðò” thơ của Nguyễn-Bính:
“Xuân đã đem mong nhớ trở về,
Lòng cô lái ở bến Xuân kia,
Cô hồi tưởng lại ba Xuân trước
Trên bến cùng ai đã nặng thề.”
Con đã đi vào đời bằng tiếng ru của thơ, nhạc. Các em con cũng được Bố hát ru như con. Tất cả mấy chị em con đều đã được Bố xoa lưng ru ngủ. Bàn tay nhẹ nhàng xoa suốt tấm lưng con trẻ, lời ru ngọt ấm đã đưa các con vào giấc ngủ êm đềm. Chị em chúng con đứa nào cũng yêu Bố. Nhưng có lẽ con là đứa con yêu Bố nhất, yêu Bố hơn cả yêu Mẹ. Con dám quả quyết như thế, nhưng con không  thể giải thích vì sao con lại yêu Mẹ ít hơn yêu Bố. Cũng có thể giải thích là tại con giống Bố nhiều nhất trong nhà. Giống đôi mắt. Giống cái mũi. Giống dáng đi. Song có lẽ tính tình con giống Bố nhiều nhất: nóng nẩy song thẳng thắn, ngang tàng, nói năng không vị nể. Mẹ đã bảo: “Giống Bố cái tính đó, chỉ tổ cho thiên-hạ… chửi!”. Nhưng cũng do những thừa-kế tinh-thần đó, nên Bố cũng yêu con nhất nhà, phải không Bố?
Bố ơi! Bây giờ Bố đang ở đâu? Bố có được thong-dong nơi Cực-Lạc không? Chắc hẳn Bố đang phiêu-diêu nơi Tiên-giới. Con đoán thế và con chắc chắn phải như thế, vì tính tình Bố nhân-hậu, thương người, cuộc đời Bố luôn luôn sống cho người khác, ít nghĩ đến mình. Sống cho Mẹ con, cho chúng con và cho những người Bố yêu mến. Bố luôn luôn được mọi người thương mến, nhưng cũng có những người ghét Bố vì Bố làm lộ chân tướng xấu của họ. Con biết rất rõ rằng ai thương Bố thì thương vô vàn. Còn ai ghét Bố thì cũng ghét… kinh khủng! Bố có nhiều bạn bè. Mọi người đối với Bố với hai biên-giới “thương” và “ghét” rõ ràng. Con biết như thế. Và con còn biết rằng, mai sau ra đời, với tính tình giống Bố, con cũng sẽ nhận được những tình-cảm tương-tự. Nhưng Bố ơi! Cái thương, ghét của nhân-thế không có nghĩa gì với Bố hết. Bố vẫn từng bảo với con như thế. Vì Bố chỉ hành xử theo ý Bố, theo lẽ phải và theo lòng nhân của Bố. Phải không Bố?
“Mặc ai nói ngả nói nghiêng,
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.”
Ít ai có cái tâm kiên-cố như Bố. Khó ai có thể lay chuyển, thuyết-phục Bố theo họ được. Bố ảnh-hưởng đến người khác, chứ người khác không ảnh-hưởng đến Bố.
Trong những năm lao đao vì vận nước, lòng  Bố  thương  các con thể hiện rõ ràng. Gà mái mẹ thường xoè cánh để che chở, ấp ủ cho đàn con. Công việc đó dứt khoát không phải của chú gà trống. Nhưng Bố là người đã tạo ra hình ảnh vừa kiêu-hùng, vừa dịu dàng đó: Bố luôn luôn che chở, bảo-vệ cho các  con. Tình  phụ-tử lúc  nào cũng dồi-dào trong con người của Bố. Chắc ít có người cha nào  thương  con  được như Bố, Bố ạ!
Những năm thơ-ấu của chúng con, nhà mình sống ở Hội-An, một thị-xã nhỏ nằm bên Cửa Ðại. Quanh năm bốn mùa có tiếng sóng vỗ của biển cả. Con sông Thu-Bồn uốn khúc quanh thị-xã. Biển cả, sông nước hấp dẫn tuổi thơ biết dường nào! Gần như năm nào, thành phố cũng có trẻ con bị chết đuối. Bố luôn sợ đàn con của Bố dại dột, không nghe lời Bố để đùa giỡn với Thủy Thần rồi chết thảm! Bố răn đe. Bố cấm đoán. Nhưng  con lại là đứa con trốn Bố nhiều nhất để được vui đùa với sóng nước. Một nhóm vài ba đứa bạn rủ nhau qua sông, đi chơi mãi bên bãi cát Cẩm-Kim hoặc bên bờ Cẩm-Phô. Cứ vui chơi cho thỏa thích rồi về lại dối Bố. Nói quanh, nói co. Nếu  không nói  dối  được thì đành  chịu vài  roi mây… quắn người!
Những buổi dối Mẹ đi biển. Bãi biển Cửa Ðại hấp dẫn mê hồn. Tiếng gọi của biển cả không cưỡng lại được. Ðể rồi cái mặt đỏ gay, cái tóc ướt nhẹp, đống áo quần tắm đầy cát đã tố cáo với Mẹ. Mẹ mách Bố. Thế là chúng con lại gồng mình, cong… phao-câu lên để chịu đòn. Nhưng tại Bố không biết đó thôi. Vì dù vui chơi, nhưng lúc nào con cũng nhớ lời Bố dặn đó, Bố ơi! Thì con đã nói là con yêu Bố nhất nhà đó mà. Con không bao giờ muốn làm Bố buồn lòng, mặc dù nhiều lần Bố phải đánh đòn con để răn đe, làm gương cho các em, vì Bố vẫn bảo tính con ngang tàng lắm đó thôi! Nhưng đánh con xong, lòng Bố lại đau xót. Lại bảo Mẹ gọi vào xoa dầu, xức thuốc với lời Mẹ nỉ-non: “lần sau, đừng làm Bố giận nữa nhé. Bố đánh chết mất!” Thế đó, tình yêu của Bố thế đó!
Năm mất nước 1975, gia-đình mình chạy từ miền Trung vào Nam. Bố dang rộng đôi tay để che chở cho bầy con và mấy đứa cháu ngoại, mà đứa đầu mới tám tuổi. Bố biết Cộng-sản tàn ác nên đã dắt díu vợ dại, con thơ chạy từ Bắc vào Trung năm 1954. Ðến 1975 lại một lần nữa dắt con, bế cháu vào Nam. Chuyến đi của năm 1975, Bố đã chứng-kiến nhiều cái chết sông, chết biển, chết vì súng đạn, chết vì đè nhau trên xà-lan di-tản. Khốn khổ chạy lũ giặc Cộng bạo tàn. Ðến nơi, đủ con, đủ cháu, Bố vui mừng. Bố già rồi, Bố không còn hăng như hồi trẻ nữa, nên Bố đã cản đường di-tản của vợ con, khi Bố chỉ bầy cháu ngoại và nói: “Mới chạy trong nước thôi mà đã chết như rạ! Chạy sang đến Mỹ, mấy đứa bé này, còn được đứa nào đây?” Thật tình, câu nói của Bố cũng làm con nhụt chí. Cũng như Bố, con rất yêu thương các con của con như Bố yêu thương các con của Bố vậy. Trước viễn-ảnh đen tối của việc di-tản sang Mỹ vì sợ các con, các cháu thiệt thân, nên Bố đã vất vả mưu tìm một cách di tản an toàn nhất cho con cháu. Nhưng không kịp nữa rồi. Giặc Cộng đã giầy xéo miền đất thân yêu của chúng ta. Bố đau đớn, lồng lộn, thúc thủ trong gọng kềm của Cộng-sản. Những kinh-nghiệm đau thương, tang tóc ở miền Bắc như chú của con chết vì dân-công, ông bà Ngoại chết vì đấu-tố dã-man, cô con tự- vận vì không chịu nổi sự đau đớn. Bố nung đúc trong lòng tinh-thần chống Cộng quyết liệt. Bố đã truyền cho các con dòng máu đó. Bố còn truyền cho con cá tính ngang tàng, coi trời bằng vung, nên mỗi lần phải đi họp hành hoặc phải đối đầu với lũ Cộng-sản, Bố luôn nhắc nhở con gái Bố: “Giữ miệng con nhé! Liệu mà đừng làm khổ cái thân. Khổ rồi đó. Ðừng để khổ hơn nữa!”.  Hiểu ý Bố, con không dám làm gì  để phiền lụy đến Bố, vì con thương Bố vô cùng.  Con cũng biết như thế là hèn, nhưng Bố đã già rồi, con muốn Bố vui được lúc nào hay lúc đó. Bố như đại-bàng gẫy cánh, như diều-hâu chột mắt. Bố hiểu rằng trước sự dã-man của loài quỷ đỏ Cộng-sản, thì cái gì cũng có thể xẩy ra được, do đó Bố đành bất-lực, thúc thủ nhìn bầy con tung cánh ra sống với lũ kên-kên khát máu đồng loại, lòng Bố không yên chút nào. Những suy tư, những lo âu đã làm Bố mau già hơn. Mái tóc Bố đã nhiều muối hơn tiêu. Con nhìn Bố mà lòng đau như cắt. Bố để ý từng ly, từng tý trong gia-đình. Bố không bỏ qua một công việc gì. Không có việc gì Mẹ con và chúng con giấu được Bố. Cứ xì-xào bàn tán, Bố quát nạt hỏi cho ra lẽ. Và cuối cùng, con vẫn là ngưòi phải thưa hết mọi chuyện cho Bố biết.
Với cuộc sống mới, với một chế-độ bạo tàn khét tiếng thì quanh ta biết bao biến-động đã và đang diễn ra, mà chỉ có những biểu-hiện xấu. Nhiều biến-cố dồn-dập đe dọa cuộc sống của mọi người đã khiến Bố Mẹ phải bàn với nhau và đi đến một quyết-định đau lòng nhưng sáng suốt: cho từng đứa con một vượt biển tìm tự-do. “Tôi với mình già rồi, có chết cũng được. Nhưng các con, phải để cho chúng nó sống”. Mẹ từ trước tới nay, lúc nào cũng như một cái bóng mờ bên Bố, nay cũng phải tham-dự vào cuộc mưu-sinh của gia-đình. Bố đau lòng vì điều này, cây tùng cổ-thụ đã không còn đủ bóng mát che chở cho các cây liễu nữa. Những đau khổ vật-chất như ăn độn bo-bo, bột mì, khoai sắn không làm Bố nản chí, nhưng chính sự kỳ-thị về lý-lịch để triệt-tiêu những người của chế-độ cũ đã làm Bố kinh-hoàng. Cộng-sản không muốn người Quốc-Gia sống còn. Cộng-sản khôn ngoan và xảo-quyệt. Chúng có thể giết hết mọi người, kể cả lũ con của Bố. Ðám con trai cũng như gái, khôi-ngô, dũng-mãnh, hào-khí chống Cộng ngùn ngụt, phải ra đi mới sống còn. Thế là các em con, từng đứa một, rời xa Bố Mẹ, rời bỏ tổ ấm, tung cánh vượt đại-dương tìm tự-do. Bố đau lòng trước sự chia ly đó, vì hơn ai hết, Bố biết các con Bố trên đường đi tìm lẽ sống, lại đã lao đầu vào cõi chết u-minh. Sóng nước trùng-dương không hứa hẹn một điều gì tốt đẹp. Rồi nạn hải-tặc. Rồi cuộc săn lùng của lũ quỷ. Tất cả đều đe dọa cuộc sống của Bố. Không một ai trong các con nghĩ rằng cái vỗ vai, cái ôm eo, cái cầm tay của Bố chiều qua, tối nay lại là cái vỗ vai, ôm eo, cầm tay cuối cùng của Bố với các con. Vĩnh-viễn không bao giờ được Bố ôm lần nữa trong cõi đời
Ở bên Bố Mẹ lúc này, còn lại một mình con với cảnh chồng tù đày cải-tạo, con thơ dại, Bố dồn hết tình thương yêu cho con và các cháu ngoại. Rồi những năm tháng tù đày của chồng con đã vô tình là cái giấy thông-hành cho vợ chồng, con cái con được chắp cánh bay cao tới vùng trời tự-do, mặc dù biết rằng sẽ phải xa Bố Mẹ. Nhưng con vui vì các con của con có tương-lai nơi đất lạ. Và con hy-vọng một ngày không xa, gia-đình ta sẽ trùng-phùng nơi xứ người. Nhưng tuổi già không chờ đợi được, lòng già không hò hẹn với ai lâu dài. Bố đã ra đi vĩnh-viễn, để lại trong lòng con những đau xót không nguôi, những tiếc thương vô bờ bến. Bố ơi! Căn bệnh của tuổi già đã cướp Bố đi trong lúc Bố còn đang mơ ước một cuộc sum vầy với các con. Ở đây, lang thang nơi xứ người, lạc lõng trên đất lạ, con luôn ao ước: giá có Bố ở đây nhỉ!  Nhưng thôi rồi. Bố ơi, Bố đã không còn nữa. Bố đã không bao giờ sống trên cõi đời này nữa. Với Bố, quả đất đã ngừng quay. Nơi góc đất nào đó của lòng nghĩa-trang Bình-Hưng-Hòa, Bố có biết lòng con thương nhớ Bố khôn nguôi?
Bố thanh-thản nhẹ gót ra đi, bỏ lại trên cõi đời này biết bao đau xót, tiếc thương của con. Ước-vọng của Bố và các con đã thành-tựu: Các con đã tề-tựu đông đủ ở miền đất tự-do, thoát ách Cộng-Sản. Nhưng còn ước-vọng lớn lao, vĩ-đại cho quê-hương,  cho dân-tộc của Bố. Con biết Bố có lòng với quê-hương, có tình với đồng-bào ruột thịt. Nhưng Bố đã từng nói với con: “Vận nước con ạ!” Bố còn muốn về thăm quê cũ. Nhưng thôi Bố ơi! Bố yên nghỉ đi. Cuộc đời Bố đã gian-nan nhiều. Sinh ký tử qui. Bố đã về non Tiên. Bố hãy cưỡi hạc ngao-du non Bồng nước Nhược. Mong cho các con của Bố nên người. Vật-chất bỏ ngoài hết, chỉ mong cho các con của Bố nên người, Bố nhé! Rồi Bố con mình sẽ gặp nhau, vì tử-sinh đồng nhất thể, Bố ạ!
Bố yêu quý!  Nén nhang đã tàn từ lâu, chỉ còn trơ lại một chân nhang mầu đỏ. Tàn tro rơi rụng tả tơi, nhưng lòng con còn bồi-hồi thương nhớ Bố. Trong ảnh, có phải Bố đang mỉm cười với con đó không? Bố ơi, Bố! Không bao giờ con còn được gọi hai tiếng “Bố ơi!” nữa rồi. Có chăng chỉ là thì thầm với Bố trước di-ảnh thôi.
Vĩnh-biệt Bố, Bố ơi!
Hoa Hoàng Lan.
Nguồn: DĐ Tuổi Hạc

 

Leave a Reply