Reuters đánh giá với thắng lợi này ông Trọng là vị « lãnh đạo thế lực nhất » kể từ khi Việt Nam tiến hành chính sách « Đổi Mới ». Hãng tin Reuters nhắc lại ông Nguyễn Phú Trọng, 76 tuổi, tình trạng sức khỏe yếu vẫn không ngăn được ông giữ chức tổng bí thư trong ba nhiệm kỳ liên tiếp.
Thắng lợi này là dấu hiệu báo trước Việt Nam sẽ đẩy mạnh chiến dịch « Đốt lò » bài trừ tham nhũng ở thượng tầng cơ quan quyền lực nhắm vào từ các thành viên trong nội bộ của đảng đến bên công an và quân đội.
Chuyên gia về Việt Nam giáo sứ Carle Thayer, đại học Úc New South Wales, cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng « tiếp tục xúc tiến chiến dịch nói trên », trong đó đã có năm ủy viên trung ương sa lưới.
Trong mắt các phe chống đối và giới phân tích, 5 năm vừa qua chính quyền Việt Nam đã gia tăng áp lực trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trọng. Giáo sư Thayer cho rằng « khuynh hướng này sẽ gia tăng để trấn áp các tiếng nói bất đồng trên các phương tiện truyền thông trên mạng ».
Theo thẩm định của tổ chức Ân Xá Quốc Tế, trong nhiệm kỳ 2 của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, số tù nhân lương tâm tại Việt Nam đã tăng lên gấp đôi, đang từ 84 lên thành 170 người.
Reuters nhắc lại từ 2018, ông Nguyễn Phú Trọng kiêm nhiệm cả chức chủ tịch nước nhưng có khả năng sẽ từ bỏ chức vụ thứ hai này trong năm 2021, một khi có quyết định của Quốc Hội chỉ định đương kim thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào chức chủ tịch nước.
Người có khả năng thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc để trở thành thủ tướng Việt Nam theo Reuters sẽ là ông Phạm Minh Chính, ủy viên Bộ Chính Trị, trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương. Lợi thế của ông Chính là có mối quan hệ chặt chẽ với bên công an.
Còn chức chủ tịch Quốc Hội có thể sẽ về tay ông Vương Đình Huệ, bí thư Thành ủy, trưởng Đoàn Đại Biểu Quốc Hội khóa XIV thành phố Hà Nội.
Nguồn RFI