Tạp Ghi: Hạt Cơm – Huy Phương
Tôi có một câu chuyện về cơm để kể hầu quý bạn. Số là hồi đi tù ngoài Bắc, bọn chúng tôi đói triền miên từ ngày này qua tháng khác, khoai sắn cũng chỉ lửng dạ khỏi chết là may, còn hạt cơm, năm thì mười hoạ vào những ngày lễ tết mới có lưng bát. Trong hoàn cảnh ấy chúng tôi thèm cơm biết là chừng nào. Một hôm, toán tù chúng tôi có nhiệm vụ lên rừng đẵn cây, không có vệ binh đi kèm. Từ đằng xa chúng tôi trong thấy một ngôi mộ đất còn mới, một người bạn của chúng tôi không biết đã trông thấy gì ở gần đấy, tôi thấy anh chạy vượt lên đến gần ngôi mộ. Thì ra ở đầu ngôi mộ mới đắp có một chén cơm trắng, quả trứng và đôi đũa cắm thẳng xuống, chung quanh trên mặt đất còn rải rác mấy cái chân nhang. Bỗng tôi nghe tiếng chửi thề của anh bạn đã quá nhanh nhẩu, vì đến gần, chúng tôi nhận ra đó là một chén cơm và quả trứng làm bằng xi măng quét vôi trắng. Nghĩ ra, ở miền Bắc lúc bấy giờ, người sống không có cơm đủ ăn, lấy đâu cơm trứng mà để đầu người chết, đành phải giả dối tiễn người chết bằng cục xi măng. Về đến trại, cứ nghĩ đến bát cơm trứng xi măng, chúng tôi thấy vừa buồn cười vừa tội nghiệp, không phải cho riêng người bạn, mà cho tất cả bọn tù chúng tôi, đói cơm đã lâu ngày, “trông gà hoá cuốc.”
Một lần khác trên đường “đi lao động” về, qua một gốc cây lớn, nơi mà chúng tôi nghĩ là các bà vợ ra Bắc thăm chồng vừa ghé nghỉ chân, nơi còn sót những trang báo Saigon Giải Phóng và nhất là có nhiều nắm cơm trắng đổ vương vãi trên thảm cỏ. Chúng tôi suy đoán chắc không sai, vì ở vùng này người dân đâu có cơm trắng mà đem ra gốc cây, và những mảnh báo xa xôi kia đã chứng minh nguồn gốc những người khách từ miền Nam tới. Thấy những hạt cơm chúng tôi thấy tiếc của trời, và trách những người vợ tù đã vô tình không biết đến nỗi khổ của chồng trong những ngày tù tội. Họ vô tình đã để những hạt cơm, nỗi thèm của những người tù trên đám cỏ, mà không thu dọn trước khi đứng dậy ra đi.
Đối với mỗi người Việt Nam thức ăn hàng ngày là cơm, đủ ăn thì gọi “cơm ngày hai bữa.” Từ tấm lòng của mẹ, với hạt gạo của quê hương, chúng ta đã lớn lên trong sự vất vả của người nông dân, nhất là ở trong những vùng đồng khô cỏ cháy, khí hậu khắc nghiệt, mưa bão triền miên. Những năm mất mùa, không đủ gạo, người dân phải ăn độn ngô khoai. Lúc dư dả, thì từ hạt gạo, người Việt biến chế thành bún, bánh tráng, bánh canh, bánh phở… nhưng tựu trung hạt cơm vẫn là chính yếu như người Nam Mỹ dùng bắp, đậu, người Tây phương dùng lúa mì. Là người Việt chính thống, có ai bỏ cơm được vài ba ngày. Bữa cơm tượng trưng cho sự sum họp của gia đình Việt Nam, chuyện bình thường thì ta gọi “chuyện như cơm bữa”, lúc vui thì “cơm sốt canh nóng”, lúc buồn bực thì “cơm không lành, canh không ngọt”, nói đến của dư, của bỏ thì “cơm thừa canh cặn”. Với người Việt, cơm còn có nghĩa là công việc, lợi nhuận và cả sự sống khi người ta nói “cần câu cơm”, hay “đập bể nồi cơm” của ai! Ăn của nhà mà lo việc bao đồng không công thì người đời nói “ăn cơm nhà, vác ngà voi…” hay “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng.” Phục vụ ai tận tình thì người ta nói “cơm bưng tận miệng, nước rót tận mồm.” Điều gì mới mẻ, ngon lành đúng lúc thì ví von: “cơm chín tới, vợ mới về”. Giàu có thì “cơm gà cá gỏi”, nghèo thì “cơm hẩm cá thiu”. Lang thang cảnh không nhà thì phải “cơm hàng cháo chợ.” Nói về tinh thần nô lệ là “ăn cơm nhà Chúa, múa tối ngày”. Sống phởn phơ, đầy đủ người ta gọi là “cơm no, bò cỡi”. Chung thuỷ với vợ nhà, không mèo mỡ gái trai thì được gắn cho chữ “cơm nhà – quà vợ.” Thậm chí ông cha cũng dùng chuyện cơm ra để giáo dục con người cách xử thế: “cơm sôi bớt lửa, chồng giận bớt lời.” Một trong bốn chuyện người đàn bà thôn quê phải “tứ bề thọ địch” cũng có sự hiện diện của nồi cơm trên bếp: “đang cơn lửa tắt, cơm sôi, lợn kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem.”
Người ta đo tình nghĩa con người qua “bát cơm với quả cà” như trong chuyện xưa Lưu Bình- Dương Lễ hay mượn tích bên Tàu để nhớ ơn bát cơm Phiếu Mẫu. Cứu giúp người khác, đối với dân tộc chúng ta là “chia cơm xẻ áo”. Chữ “cơm” còn có nghĩa là cội nguồn, ơn nghĩa nên người nên người Việt chống Cộng thường có câu nói “ăn cơm Quốc Gia- thờ ma Cộng Sản”.
Người miền Trung có thành ngữ “cơm với cá” cũng tương tự như “bread and butter” của Tây phương, nhưng ví von “cơm với cá như mạ với con” thì câu nói đẹp đẽ tình nghĩa hơn nhiều. Ngày nay bao nhiêu người con gái đã bỏ đất nước ra đi, làm thuê, làm vợ, làm đĩ. xót xa trong từng hạt cơm: “Cơm cha cơm mẹ đã từng, con đi làm mướn kiếm lưng cơm người, cơm người khổ lắm mẹ ơi…”
Việt Nam cũng như Tàu, Thái Lan, dùng cơm là thức ăn chính, người Việt chúng ta luôn luôn nhớ ơn người nông phu: “ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hột đắng cay muôn phần”, vì cuộc sống nông dân quá vất vả: “một ngày hai bữa cơm đèn, lấy gì má phấn răng đen hỡi chàng””
Chúng ta bắt đầu cuộc đời thơ ấu bằng búng cơm từ miệng người mẹ: “ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương”, cho đến lúc qua đời, theo phong tục cũng với một chén cơm quả trứng để đầu quan tài. Có lúc nào đời chúng ta vắng hạt cơm chưa” Cơm luẩn quẩn trong đời sống chúng ta không một phút xa rời. Sở dĩ tôi phải dài dòng dẫn chứng như vậy, là mấy lúc gần đây thiên hạ luận bàn về chuyện cơm cơm phở phở hơi nhiều. Nhưng phở chỉ là “nhất thời”, cơm là “vạn đại”. Nghĩ cho cùng, ở những thành phố, quận lỵ, no đủ, sung sướng “cơm no ấm cật”, người ta mới “rậm rật” biến chế, đổi món gạo ra bánh phở. Còn ở thôn quê xa xôi, nghèo khó, thiên tai, mất mùa, cơm không đủ ăn, có nơi, cả đời người dân chưa biết đến bát phở là gì! Nghĩa đen hay nghĩa bóng cũng thế thôi!