Tùy Bút 1

Bậc Thầy Tùy Bút Nguyễn Tuân

Bậc thầy Tùy bút Nguyễn Tuân

Tác phẩm tự sự – trữ tình
Tùy bút là tác phẩm văn học có từ lâu ở nước ta và Trung Quốc, phát triển đến đỉnh cao trong văn học hiện đại. Thiên cổ kì bút Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ (thế kỉ XVI) và Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ (thế kỉ XVII) rồi đến những trang hoa tùy bút của hàng chục nhà văn nổi tiếng từ đầu thế kỉ XX đến nay đã khẳng định vị trí quan trọng làm phong phú và rạng rỡ nền văn học của tùy bút trong đời sống văn học người Việt. Tùy bút thuộc thể kí được đưa vào giảng dạy từ lớp 7 trong chương trình Ngữ văn phổ thông.
Đến nay, giới nghiên cứu và nhà văn vẫn chưa thể rạch ròi được khái niệm và đặc trưng về tùy bút. Không ít người hiểu tuỳ bút là viết tuỳ thích theo ý thích của mình, không có chủ đề gì cả, thường là miêu tả cảm xúc của tác giả về vấn đề nào đó. Đó là lối viết tùy hứng, có cả phân tích, cảm nhận, bình luận… theo mạch tư duy, cảm xúc chủ quan của tác giả. Lại có ý kiến cho rằng, tùy bút thuộc thể kí ghi lại một cách tương đối tự do những cảm nghĩ của người viết, kết hợp với việc phản ánh thực tế khách quan. Và một số khác lại hiểu, tùy bút vừa có phần văn học vừa có chất báo chí. Chất văn ở những cảm xúc, suy tư có khi sâu sắc, đa nghĩa, có khi lãng mạn, bay bổng; ở sự chọn lọc, trau chuốt từ ngữ, câu văn kĩ lưỡng, tinh tế của người cầm bút. Chất báo chí ở tính cập nhật, khả năng phản ánh nhanh, tức thì sự việc và con người. Mạch xuyên suốt tùy bút là tư tưởng, cảm xúc của người viết.
Phần đông hiểu tùy bút, bút kí, kí, hồi kí, nhật kí, kí sự…là những sáng tác văn học theo hình thức văn xuôi tự sự (tự sự hiểu là kể chuyện) giàu chất trữ tình (trữ tình hiểu là giãi bày cảm xúc chủ quan). Những sự việc, những con người trong tùy bút tuy có thể không kết thành hệ thống theo một cốt truyện, hay theo một tư duy luận lý chặt chẽ, nhưng tất cả vẫn phải tuân thủ trật tự của dòng cảm xúc, cái lôgic bên trong của cảm hứng tác giả. Và tất nhiên là sự việc được kể lọc qua cách nhìn của chủ thể thẩm mỹ vẫn phải chân thực, chí ít phải có một phần sự thật. 
Thể loại hồi kí, nhật kí, kí, kí sự đòi hỏi người viết chịu trách nhiệm về tính chân xác của những sự việc hay nói gọn là ghi lại người thật việc thật theo chủ quan người viết. Thể bút kí, tùy bút cũng cần sự chân thực của sự việc nhưng không bắt buộc theo mạch trình tự nào và tỉ lệ thực hư bao nhiêu. Đôi khi chỉ một chi tiết hạt cốm xanh mà Thạch Lam làm sửng sốt người ta với bao tri thức về hạt cốm nổi tiếng Làng Vòng, hay hạt ngọc trai trên vòng đeo cổ cô phiên dịch mà Nguyễn Tuân tỉ mỉ cho độc giả biết công nghệ từ hạt cát lạc vào con trai biển thành hạt ngọc trai mê mẩn trên cổ giai nhân.
Tùy bút là một thể loại văn học có những đặc trưng rõ nét cả về nội dung và nghệ thuật biểu hiện, đủ sức tồn tại ngang hàng với những thể loại văn xuôi nghệ thuật khác. Đó là một thể loại văn xuôi thực sự tự do, phóng túng, không bị ràng buộc bởi những khuôn khổ quy phạm, cả về nội dung tư tưởng và cách thức thể hiện. Trong tùy bút, cảm thức chủ quan và phong cách nhà văn được coi trọng hơn cả sự chân thực khách quan của sự việc. Nhà văn theo ngọn bút mà suy tưởng, trần thuật, nhưng thực chất là thả người theo dòng liên tưởng và tưởng tượng, phóng bút theo cảm xúc mà tả người, mà kể việc một cách sâu sắc bằng thứ ngôn ngữ gọt giũa tinh tế và tài hoa mang đậm tính cá nhân.
Đọc Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam, ta không chỉ có được cảm giác đang triền miên giữa một dòng cảm xúc đằm thắm, dịu nhẹ, thanh tao mà còn hiểu biết thêm, còn ngộ ra bao nhiêu vẻ đẹp có màu sắc văn hóa rất đỗi gần gũi và không phải người Hà Nội nào cũng nhận ra về con người và tạo vật ở đất kinh kỳ. Với 17 món ngon trong tập Miếng ngon Hà Nội (in 1952), người đọc không thể hiểu nổi vì sao nhà văn Vũ Bằng lại am hiểu văn hóa ẩm thực Thủ đô sâu sắc đến thế. Cây bút tài hoa uyên bác Nguyễn Tuân, bậc thầy tùy bút, góp cho văn học Việt Nam hiện đại những áng văn xuôi trữ tình còn lưu mãi tâm thức độc giả xa gần về cuộc sống, về con người, về chiến tranh và hòa bình, về khát vọng hạnh phúc tương lai…
Và hàng trăm tác giả tùy bút của văn học Việt Nam hiện đại tài hoa như Nguyên Ngọc, Võ Phiến, Mai Thảo, Trúc Chi, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Băng Sơn… đã đem đến cho người đọc những giá trị tinh thần tuyệt vời hơn cả tuyệt vời về ngôn ngữ mẹ đẻ, về đất nước và con người Việt Nam.
Như thế, tùy bút là tác phẩm văn học tự sự – trữ tình, một thể loại văn xuôi nghệ thuật vừa kể chuyện vừa bày tỏ cảm xúc chủ quan bằng chất liệu ngôn ngữ tiếng Việt tinh diệu của người nghệ sĩ ngôn từ.
Sức cuốn hút của tùy bút
Những tiêu chí nổi bật của tùy bút sẽ giúp người yêu văn chương đọc hiểu, khám phá những giá trị tư tưởng, giá trị thẩm mĩ và nội dung nhận thức của tác phẩm. Nếu như kí sự, hồi kí, kí, ghi nhanh… là những ghi chép chủ quan sự việc, tôn trọng sự thật thì tùy bút, bút kí được mở rộng đề tài và có thể tạt ngang, liên tưởng theo hứng khởi, không cần khuôn thước nào.
Kí, hồi kí, bút kí gần gũi với tùy bút ở sự chủ quan của người viết nhưng cách xưng tôi đều gắn với sự chân thực của nội dung hiện thực. Hồi kí chỉ dành cho người nổi tiếng nên dù tác phẩm có hạt sạn nào, sai sót nào người ta cũng dễ dàng bỏ qua trong khi bút kí, tùy bút lại không thể cho phép người viết dễ dãi và mắc sai lầm. Viết tùy bút rất khó là như thế. 
Người đọc tùy bút dễ bị cuốn theo, cuốn vào những thứ đôi khi lộn xộn, loằng ngoằng của tri thức mới mẻ, của câu chữ phóng khoáng, tài hoa. Đọc vô cùng sướng nhưng xong rồi lại chẳng thể nhớ được là bao. Tùy bút không có cốt truyện cho người ta nhớ, không có mở nút, thắt nút, không có cao trào xung đột như truyện. Nội dung sự việc, sự vật càng sâu sắc, nhiều thông tin hiếm và mới; nghệ thuật dùng từ, viết câu văn hay và đẹp càng cuốn hút. Vì thế, chỉ những nhà văn quý yêu nghề viết, kiến thức uyên thâm, nghiêm túc với bạn đọc và nâng niu từng từ dùng mới có được áng tùy bút hay, xuất sắc sống mãi với thời gian.
Tùy bút chính là thể loại văn học có tính báo chí, vừa thông tin vừa trải lòng bằng ngôn từ biểu cảm, giàu hình ảnh và phóng khoáng; bằng kết hợp suy nghĩ, hồi tưởng và xúc cảm về vấn đề nào đó của cuộc sống; bằng trữ tình riêng tư hòa quyện hết liên tưởng này đến liên tưởng khác.
Sự việc được kể (tự sự) theo cảm nhận và liên tưởng chủ quan, giãi bày (trữ tình) đã tạo nên đặc trưng nổi bật của thể tùy bút. Yếu tố tự sự và trữ tình luôn đan xen, hài hòa và thống nhất như một chỉnh thể trong tùy bút nói riêng và tác phẩm văn học nói chung không thể rạch ròi, phân tách. Tùy bút là thể văn xuôi nghệ thuật tự sự – trữ tình.
Về nội dung, tùy bút không có giới hạn nào về đề tài. Lịch sử, văn hóa, phong tục, thế sự, đời tư hay ngoại cảnh đến tâm cảnh; từ quá khứ, hiện tại và tương lai đều là đối tượng phản ánh của tùy bút. Nếu truyện (tự sự) ‘ba phần thực, bảy phần hư’ giúp hình tượng hóa, hiện thực hóa tâm hồn và đời sống thì tùy bút lại chú trọng chất chủ quan trong tư tưởng nghệ thuật, ít chịu sự chi phối của ngoại cảnh xã hội nên thả sức bộc lộ cảm hứng nhân văn của nhà văn. Đó chính là giọng điệu, là phong cách riêng của mỗi tác giả tùy bút.
Xét về cảm hứng, tình điệu và thẩm mĩ, tùy bút lấy cảm hứng lãng mạn làm chủ đạo. Nhà văn quan sát, cảm nhận và chắt lọc những điều đang diễn ra rồi bằng tài năng, nhiệt huyết và sáng tạo, liên tưởng, tưởng tượng, phỏng đoán… làm sống dậy một sự việc nào đó để truyền cho người đọc cảm hứng mãnh liệt và tin yêu, cảm hứng sôi nổi và hy vọng. Có khi là cảm hứng thế sự, đời tư bi kịch sâu lắng buồn vui; có khi là cảm hứng anh hùng ca, mang hơi thở sử thi; cũng có khi lại là cảm hứng lịch sử, cảm hứng châm biếm, hài hước…
Sự lôi cuốn kì lạ của thứ văn xuôi nghệ thuật này phải chăng bởi cái tôi tác giả chiêm nghiệm và day dứt, trăn trở đã hòa đồng với tâm hồn và suy nghĩ của độc giả? 
Hình thức của tùy bút dễ phân biệt với kí và truyện. Giọng điệu trần thuật uyển chuyển và linh hoạt, hài hòa giữa thơ và văn xuôi tạo nên vẻ đẹp độc đáo. Ngôn từ chọn lọc, gọt giũa giàu tính nhạc, giàu hình ảnh với bút lực dồi dào và hiểu biết ngôn ngữ sâu sắc của cái tôi nghệ sĩ ngôn từ đã tạo nên những thiên tùy bút sâu về nội dung, đẹp về hình thức để đời. Nhà văn tài năng gửi gắm, chia sẻ và thông điệp cho người đọc về mỗi sự việc, sự vật qua những thủ pháp nghệ thuật so sánh, liên tưởng, tương phản…Ý nghĩa nhân sinh của sự việc đi vào tâm trí độc giả nhẹ nhàng và thuyết phục, càng đọc càng thấy thú.
Tùy bút hay tạp văn, tản văn không theo khuôn mức nào về kết cấu và dung lượng. Theo cảm hứng và mục đích, nhà văn viết về những khoảng khắc, những cung bậc cảm xúc của đời sống thành những chuyện nhỏ. Mỗi tập tùy bút đều in dấu ấn tài năng, tâm huyết và tri thức của từng nhà văn như tập Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ) 20 tác phẩm, Sông Đà (Nguyễn Tuân), 14 sáng tác, Miếng ngon Hà Nội (Vũ Bằng) 17 bài…   

Độc giả đón đọc bài tiếp: Đọc hiểu một số tùy bút trong chương trình Ngữ văn phổ thông

Leave a Reply