Tùy Bút: Mùa Xuân Của Thi Nhân
Bàn đến phạm trù 范疇 của “mùa xuân”, thiết nghĩ có hơi dài dòng văn tự, nhưng vì muốn cho rõ ràng, trong sáng thì phải đi theo tuần tự của chủ đề hôm nay.
Trước tiên, nói đến 2 chữ MÙA XUÂN thì nó thuộc về “mùa của tiết xuân” và nó nằm trong tứ quý (四季) bốn mùa, Xuân, Hạ Thu Đông(春夏秋冬) và nói theo chữ Hán thì gọi là “xuân quý “春季”.
Xuân quý (春季) tức là khí tiết mùa xuân hay gọi nôm na là thời tiết của mùa xuân, thiết nghĩ cũng nên đề cập sơ qua Dịch Kinh của người Hoa vì nó có liên quan đến mùa màng.
Theo Kinh Dịch Trung Hoa thì bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, là bốn hình sắc của Tứ Tượng, nó thể hiện qua sự thịnh, suy của bốn thời kỳ: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh.
Dịch đã chứng minh vào thời kỳ “Nguyên” thì hai cực: âm, dương, được trùng phùng một cách hài hòa cùng vạn vật trong vũ trụ. Do đó, khí hậu lúc này trở nên ấm áp, cây cỏ, hoa lá nhờ đó mà đâm chồi nẩy lộc, tô điểm thêm phong sắc vui tươi trong đất trời, cho nên Dịch học bảo rằng đó chính là: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” (同聲相應,同氣相求) là do đó.
Dịch cũng chứng minh rằng: “Thành, Thịnh, Suy, Hủy” là do yếu tố tự nhiên của trời đất, mà giai đoạn “Thành” là tiêu biểu của mùa Xuân, được biểu hiệu qua quẻ Địa Thiên Thái (地 天 泰), tức là thời kỳ Thái Hòa của trời đất, nhờ có tiết Vũ Thủy, cho nên khí hậu ôn hòa bắt đầu vào tháng “Dần” tức là tháng Giêng, đó cũng là thời kỳ khởi điểm của đầu mùa xuân cho đến cuối tháng ba (âm lịch) trong năm.
Sự hài hòa trên bình diện khí hậu ôn nhiệt, nên mùa xuân đã mang đến an vui, hạnh phúc cho nhân loại và nó cũng là hấp lực tiềm tàng trong nguồn cảm hứng của các thi nhân.
Do đó mà hồn thơ của thi nhân khi đã nhìn thấy bóng dáng nàng xuân thấp thoáng, nhấp nhô bên trong chén rượu hương nồng, rồi vì ngất ngây hương men của nàng xuân để rồi hồn phách ấp yêu, hài hòa và sánh bước với giai nhân bởi từ nguồn cảm hứng đã tích lũy sẵn mà tạo thành những sáng tác tuyệt vời, rồi kết thành những vần thơ đầy thi vị.
Những cảnh sắc hữu tình của mùa xuân, thiết nghĩ theo nhãn quan của các thi nhân, thì đó là sắc thái mỹ lệ của đời sống về mặt tinh thần, vì thế mà họ đã mô phỏng sắc thái của mùa xuân, hòa điệp cùng những đặc tính tượng trưng cho cái thiên tư, mỹ miều, song song với vẻ đẹp thiên kiều lộng lẫy của nàng thiếu nữ, qua những câu ca dao bình dân rất trữ tình hay có lúc rất lãng mạng được thể hiện với nhiều thể loại thi ca khác nhau.
Có phải do những yếu tố cụ thể như trên mà trong nhân gian thường có câu nói: “Mùa xuân là mùa của thi nhân” chăng?
Xem trong Truyện Kim Vân Kiều, qua bút pháp điêu luyện của cụ Nguyễn Du cho ta thấy nghệ thuật khéo dụng ngôn từ như: Ngữ Nghĩa, Cú Pháp, Điển Ngữ mà Cụ đã miêu tả trong truyện Kiều.
Một điển hình như Cụ diễn tả sắc đẹp diễm lệ của nàng Vương Thúy Kiều, đẹp đến nỗi khiến cây cỏ, hoa lá là vật vô tri giác mà cũng biết hờn ghen với nàng:
Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh….
Và Cụ cũng nhờ mùa xuân phơi bày tuổi thanh xuân của Thúy Kiều:
Phong lưu rất mực hồng quần,
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê….
Đó đã cho ta thấy ý nghĩa của “mùa xuân” nó quan trọng đến dường nào mà Cụ Nguyễn Du lúc nào cũng tôn vinh “Xuân” trong truyện Kiều, nào là:
“Rước nàng về đến trú phường,
Bốn bề xuân tỏa một nàng ở trong”
Cụ dùng “cỗi xuân” để ám chỉ cha của Thúy Kiều như:
“Cỗi xuân tuổi hạc càng cao
Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành”
Rồi Cụ thách thức với các tay họa sĩ nào mà đã vẽ nên một bức gấm tranh xuân nữ tài tình như sau:
Vẽ chi một đóa hoa đào?
Vườn hồng ai dám ngăn rào chim xanh?
Dài dòng đến đây thì chợt luyến tiếc tuổi thanh xuân, cho nên Cụ đã nằm mơ thấy bóng dáng nàng Xuân:
Đêm xuân một giấc mơ màng,
Ngày xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng.
Như trên và dưới đây về chữ “Xuân” của Cụ Nguyễn Du trong truyện Kiều, đủ cho ta thấy trong cuộc sống hằng ngày mà không có “mùa Xuân” tức là không có tất cả như:
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
“Tiếc hoa những ngậm ngùi xuân
Thân này dễ lại mấy làn gặp tiên”
“Hạt mưa sá nghĩ phận hèn
Liều đem tấc cỏ báo đền ba xuân”
“Bóng hồng nhác thấy nẻo xa
Xuân lan, thu cúc mặn mà cả hai”
Ngày xuân em hãy còn dài.
Xót tình máu mủ thay lời nước non .
Một người dể có mấy thân
Hoa xuân đương nhụy ngày xuân còn dài,
“Kiếp hồng nhan có mong manh
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”
“Bây chầy dãi nguyệt, dầu hoa,
Mười phần xuân, có gầy ba bốn phần”
“Sinh rằng: rày gió mai mưa
Ngày xuân đã dể tình cờ mấy khi”
Sinh càng một tỉnh mười mê
Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân” v.v.. và v.v… có nghĩa là còn rất nhiều “Mùa Xuân” của Cụ Nguyễn Du trong Kiều mà không sao kể ra hết được.
Trên đây cho ta thấy cái thi vị cảm hứng của nguồn thơ được lồng trong tình tiết của mùa xuân tươi thắm và… nào, ngay bây giờ, chúng ta hãy thử cùng nhau hòa hợp theo cung điệu của “nàng xuân” xem sao, để rồi chúng ta sẽ thấy trong những giọng thơ phong lưu hứng tình hơn, chẳng thua kém gì những “điệp khúc” về Mùa Xuân của Cụ Nguyễn Du khi mà trong Cung Oán Ngâm Khúc của cụ Nguyễn Gia Thiều 阮嘉韶 cũng có ghi lại những cụm từ để miêu tả về nét đẹp mỹ miều của “mùa xuân” như sau: Số là do điển tích: Tô Đông Pha khi cáo quan về hưu dạo chơi nơi đồng ruộng, gặp mụ già đi bới rơm, mụ hỏi rằng: “Ngài có phải đã từng làm chức Nội Hàn được vinh quý, nay còn có chút nào ở cõi mộng xuân ấy không?”. Do đó cụ Nguyễn Gia Thiều dùng điển tích này trong Cung oán ngâm khúc như sau:
Dẫu mà ai có nghìn vàng,
Đố ai mua được một tràng mộng xuân.
Rồi sau đó:
Vườn xuân bướm hãy còn rào,
Thấy hoa mà chả lối vào tìm hương.
Cành xuân hoa chúm chím chào,
Gió đông thôi đã cợt đào ghẹo mai.
Xưa nay, trong cổ ngữ có câu “Xuân bất tái lai” (春不再來) Mùa xuân không trở lại nữa, vì thế mà thiên hạ thảy đều trân quý mùa xuân và cho rằng Xuân Tiêu Nhất Khắc Trị Thiên Kim (春宵一刻值千金)Đêm xuân đáng giá ngàn vàng, tuy nhiên nghĩ theo nghĩa bóng thì: “xuân tiêu” là hàm ý của sự ân ái giữa nam nữ trong những đêm xuân nồng ấm.
Nhắc đến mùa xuân thì chợt nhớ đến bài thơ bất hủ của thi hào Tô Đông Pha qua bài (Xuân Tiêu) <春宵> 春宵一刻值千金,花有清香月有陰。歌管樓台聲細細,鞦韆院落夜沉沉”
Xuân Tiêu:
Xuân tiêu nhất khắc trị thiên kim,
Hoa hữu thanh hương nguyệt hữu âm.
Ca quản lâu đài thanh tế tế,
Thu thiên viện lạc dạ trầm trầm. *
Phỏng dịch: Đêm Xuân
Ngàn vàng một khắc gọi xuân tiêu,
Bóng nguyệt vờn hoa dáng mỹ miều
Sáo nhạc tấu hòa âm thánh thoát.
Võng lầu đêm xuống nét thiên kiều
(Thu thiên: 鞦韆 chiếc võng ngồi được 2 người để xích đu)
Rõ là mùa xuân là mùa của các thi nhân chăng? Bởi do mùa xuân đã mang đến những âm hưởng cảm hứng quyện lấy hồn thơ, tuy cái thi vị trong các thi phẩm có khác nhau do thi hứng của mỗi người, được bộc lộ qua những câu ca dao ngắn gọn, dễ thương như các thể thơ: Lục Bát, Tự Do hoặc nhiều thể loại thơ khác như: Đường Luật, Song Thất Lục Bát, Ngũ Ngôn v.v.. với nghệ thuật tả cảnh, tả tình, trau chuốt nàng xuân trong cái óng ả của tia nắng ấm, trong cái thướt tha mượt mà của hoa lá xanh tươi lúc ban mai, trong cái mỹ miều yêu dấu, dành cho người tình bé bỏng, hoặc trong cái cung cách trang trọng hơn, để bày tỏ nỗi lòng đối với tổ quốc, quê hương và dân tộc.
Những tình khúc tuyệt vời của thi nhân cũng được các nhạc sĩ phổ thành những bản nhạc trữ tình, những âm điệu du dương, lúc trầm thì nghe rung cảm, đắm say lòng người, làm rộn ràng con tim, nhưng lúc bổng thì hùng hồn tựa như tiếng trống thúc quân ra sa trường, khiến người nghe có cảm giác như hân hoan như yêu đời mà phải hồi tưởng về dĩ vãng, để rồi nuối tiếc tuổi thanh xuân của chính mình, sao mới chỉ một thoáng nháy mắt mà nó đã trôi đi qua mất rồi.
ĐôngThiênTriết
Viết xong@April 30/2024 và bắt đầu published
Chú Thích: bài thơ Xuân Tiêu 春宵 nguyên Hán Ngữ của Tô Đông Pha được chuyển dịch sang Việt ngữ bởi ĐTT