Hãy Chụp Dùm Tôi
Đừng khoe tôi, hỡi người bạn tài hoa,
Những tấm ảnh mang ra từ địa ngục,
Nơi bạn mới về rong chơi hạnh phúc,
Dù bao người vẫn tủi nhục xót xa.
Đừng khoe tôi hình ảnh một quê nhà,
Mà bạn nghĩ đang trên đà “đổi mới”,
Những thành thị xưa hiền như bông bưởi,
Nay bỗng dưng rã rượi nét giang hồ.
Đừng khoe tôi những cảnh tượng xô bồ,
Những trụy lạc giờ vô phương cứu chữa.
Đất nước đã từ lâu không khói lửa,
Sao rạc rài hơn cả thuở chiến chinh.
Đừng khoe tôi những yến tiệc linh đình,
Những phố xá ngập phồn vinh giả tạo,
Nơi thiểu số tung tiền như xác pháo,
Khi dân nghèo không muỗng cháo cầm hơi.
Đừng khoe tôi cảnh tụ họp ăn chơi,
Của những kẻ đã một thời chui nhủi,
Bỏ tất cả, trong đêm dài thui thủi,
Ngược xuôi tìm đường xăm xúi vượt biên.
Đừng khoe tôi những con phố “bưng biền”,
Những quảng cáo, những mặt tiền nham nhở,
Những khách sạn ánh đèn màu rực rỡ,
Trơ trẽn bày, dụ dỗ khách phương xa.
Đừng khoe tôi chốn thờ phượng nguy nga,
Những dinh thự xa hoa nằm choán ngõ,
Những màu sắc lam, vàng, đen, tím, đỏ,
Đang uốn mình theo gió đón hương bay.
Đừng khoe tôi ảnh Hà Nội hôm nay,
Thành phố đã chết từ ngày tháng đó,
Khi bị ép khoác lên màu cờ đỏ,
Khi triệu người phải trốn bỏ vô Nam.
Đừng khoe tôi những cảnh tượng giàu sang,
Đã được bạn tóm càn vô ống kính,
Những hình ảnh mà kẻ thù toan tính,
Muốn tung ra để cố phỉnh gạt người.
Bạn thân ơi, sao không chụp giùm tôi,
Nỗi thống khổ của triệu người dân Việt,
Nửa thế kỷ trong ngục tù rên xiết,
Oán hờn kia dẫu chết chẳng hề tan.
Chụp giùm tôi đàn thiếu nữ Việt nam,
Thân trần trụi xếp hàng chờ được lựa,
Hay bầy trẻ mặt chưa phai mùi sữa,
Bị bán làm nô lệ ở phương xa.
Chụp giùm tôi đôi mắt mẹ, mắt cha,
Mà suối lệ chỉ còn là máu đỏ,
Khóc con cháu ra đi từ năm đó,
Biển dập vùi, đà tách ngõ u minh.
Chụp giùm tôi số phận những thương binh,
Đã vì nước quên mình trên chiến trận,
Mà giờ đây ôm hận,
Tấm thân tàn lận đận giữa phong ba.
Chụp giùm tôi hình ảnh những cụ già,
Bọn đầu nậu gom ra đường hành khất,
Để đêm đến, nộp hết tiền góp nhặt,
Đổi chén cơm dầm nước mắt nuôi thân.
Chụp giùm tôi xác chết những ngư dân,
Bị Tàu giết bao lần trên biển rộng,
Hay những chiếc quan tài chưa kịp đóng,
Chở cha, anh lao động Mã Lai về.
Chụp giùm tôi thảm cảnh những dân quê,
Chịu đánh đập chán chê dù vô tội,
Hay cảnh những anh hùng không uốn gối,
Gánh đọa đày trong ngục tối bao la.
Chụp giùm tôi mốc biên giới Việt Hoa,
Lấn vào đất của ông cha để lại,
Hay lãnh thổ cao nguyên còn hoang dại,
Lũ sài lang hèn nhát lạy dâng Tàu.
Chụp giùm tôi những nghĩa địa buồn đau,
Chúng tàn phá, chẳng còn đâu bia mộ.
Kẻ sống sót đã đành cam chịu khổ,
Người chết sao cũng khốn khó trăm đường.
Hãy chụp giùm tôi hết những tang thương,
Hình ảnh thật một quê hương bất hạnh,
Nơi mà bạn, xưa đêm trường gió lạnh,
Đã căm hờn quyết mạnh dạn ra khơi.
Chiếc thuyền con, ca nước lã cầm hơi,
Mạng sống nhỏ đem phơi đầu sóng dữ.
Rồi tha phương lữ thứ,
Tháng năm dài, quá khứ cũng dần phai.
Lòng người chóng nguôi ngoai,
Tháng Tư đến, có mấy ai còn nhớ!
Trần Văn Lương
Cali, đầu mùa Quốc Hận, 2010
Kính gửi đến quý anh con cóc cuối tuần.
Dạo:
Trách ai lỡ gọi thu về,
Lê thê sắc lá, não nề tiếng đêm.
Cóc cuối tuần:
Lỡ Gọi Thu Về
Rừng quen nếp cũ gọi thu về,
Rặng lá say màu đứng ủ ê.
Khói rách não nề ôm gió muộn,
Nắng già luộm thuộm quét đường quê.
Bóng vạc lê thê ngược bước chiều,
Nát lòng bỏ lại mái nhà xiêu.
Cố quận tiêu điều, cây đổi gốc,
Trằn trọc đêm mơ một bóng diều.
Dập dìu đất lạ ánh sao rơi,
Tóc trắng lơ ngơ chặng cuối đời.
Lếch thếch lưng đồi, trăng lấm bụi,
Sương ngàn lủi thủi bám ngày rơi.
Đốm lửa trên môi tắt vội vàng,
Nỗi buồn biệt xứ mãi mênh mang.
Lang thang gót giẫm màu hoa rụng,
Tiếc nuối chi chăng cũng lỡ làng.
Kiến vàng mất tổ lụy mo cau,
Quay quắt chia nhau một mảnh sầu.
Ngắm lá thay màu, tim quặn thắt,
Đêm dài siết chặt khối buồn nâu.
Phượng đỏ năm nao đã nhạt dần,
Đất người, hoa tím lót mềm chân.
Ngại ngần kỷ niệm tìm nơi ẩn,
Một trận Ngâu xưa tạnh mấy lần.
Âm thầm cánh nhạn trốn ra khơi,
Từng chuỗi hoàng hôn vắng tiếng cười.
Chim chết theo người, ai có biết,
Trên bờ ly biệt máu còn tươi.
Dăm bóng ma trơi nổi vật vờ,
Lời kinh đưa tiễn trổi vu vơ.
Nấm mồ đắp vội chờ nhang khói,
Le lói trong mây đốm nguyệt mờ.
Thẫn thờ thao thức đợi chiêm bao,
Chăn gối nhăn nheo cất tiếng gào.
Mộng ước nôn nao chèn giấc ngủ,
Đêm dài lệ đỏ, mắt xanh xao.
Quạ lẻ cây cao cất tiếng sầu,
Nghẹn ngào lá đáp lại từng câu.
Nhịp cầu sớm gãy ngày chia cách,
Lữ khách trăm năm lỡ chuyến tàu.
Dàu dàu cỏ dại ngóng sương sa,
Hiu hắt thôn khuya một tiếng gà.
Côi cút trăng tà soi giếng cạn,
Chim trời thiếu bạn ngại đường xa.
Biển động, hồn ma cũ nhấp nhô,
Ngậm ngùi quê mẹ biết nơi mô.
Thân cô, thế bạc, thôi đành mặc,
Dằng dặc bao năm chẳng nấm mồ.
Cây khô trần trụi đứng ê chề,
Nhìn xác lá vàng, tỉnh giấc mê.
Đêm tối rầm rì câu sám hối,
Ăn năn trót lỡ gọi thu về.
Trần Văn Lương
Cali, 10/2011
Buồm đêm chấp chới trên dòng,
Lênh đênh nào biết con sông mất còn.
Cóc cuối tuần: (Bài Xướng)
江 上 孤 舟 (唱 詩)
月 縮 黑 江 蟠,
孤 帆 入 險 灘.
油 燈 推 薄 霧,
鐵 棹 禦 潛 瀾.
復 國 心 猶 痛,
歸 鄕 夢 已 寒.
春 風 還 未 到,
老 淚 浥 鹹 襌.
陳 文 良
Âm Hán Việt:
Giang Thượng Cô Chu
Nguyệt súc, hắc giang bàn,
Cô phàm nhập hiểm than.
Du đăng thôi bạc vụ,
Thiết trạo ngự tiềm lan.
Phục quốc tâm do thống,
Quy hương mộng dĩ hàn.
Xuân phong hoàn vị đáo,
Lão lệ ấp hàm đan.
Trần Văn Lương
Dịch nghĩa:
Chiếc Thuyền Cô Độc Trên Sông
Trăng co rút, dòng sông đen cuộn khúc,
Cánh buồm đơn độc đi vào ghềnh nước hiểm trở.
Ánh đèn dầu xua đẩy làn sương mù mỏng,
Mái chèo sắt chống cự con sóng ngầm.
Tấm lòng phục quốc vẫn còn đau,
(Nhưng) giấc mộng về quê đã nguội lạnh.
Gió Xuân vẫn còn chưa đến,
Nước mắt già thấm vào manh áo mặn.
Phỏng dịch thơ:
Thuyền Côi Trên Sóng
Sông cuồn cuộn, ánh trăng thâu,
Gian nan ghềnh nước, thuyền câu bềnh bồng.
Sương mù lụy ánh đèn chong,
Sóng ngầm đưa đẩy, long đong tay chèo.
Con đường phục quốc gieo neo,
Mộng hồi hương đã nhạt theo mái đầu.
Gió Xuân ngóng mãi thêm sầu,
Lệ già thấm mảnh áo nâu mặn chằng.
Trần Văn Lương
Cali, 8/2012
Lời bàn của Phi Dã Thiền Sư :
Thuyền mãi bồng bềnh, gió Xuân chưa đến.
Thương thay đôi mắt già vẫn ngày đêm lệ tràn thấm áo.
Hỡi ơi !